Công an xã có được dừng xe và xử phạt hành chính người vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ không? Câu trả lời là có nhưng tùy từng trường hợp cụ thể. Các bạn xem những thông tin tôi đã tổng hợp dưới đây nhé.
Nội dung chính:
Cơ sở pháp lý
Về nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng công an xã, các bạn xem chi tiết tại Điều 9 Pháp lệnh công an xã 2008.
Về các lực lượng có thể tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các bạn xem chi tiết tại Thông tư 47/2011/TT-BCA.
Về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các bạn xem tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Quyền của lực lượng công an xã
Tại Điều 4 Thông tư 47/2011/TT-BCA quy định về tên gọi chung của các lực lượng được huy động tham gia tuần tra, kiểm soát giao thông như sau:
- Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Công an phụ trách xã, Công an phường (sau đây gọi chung là Cảnh sát khác).
- Công an xã, Công an thị trấn nơi chưa bố trí tổ chức Công an chính quy (sau đây gọi chung là Công an xã).
Hiện tại phần lớn các xã trên cả nước đều chưa có lực lượng công an chính quy. Chỉ có 1 số xã trên địa bàn TP Hà Nội được thí điểm bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã từ ngày 11 tháng 08 năm 2016 (văn bản số 4763/UBND-NC).
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 47/2011/TT-BCA. Có thể hiểu rằng: Lực lượng công an xã có quyền hỗ trợ, đi cùng cảnh sát giao thông trong việc xử lý các lỗi vi phạm về giao thông đường bộ. Trường hợp không có lực lượng Cảnh sát giao thông đi cùng thì lực lượng công an xã vẫn có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên chúng ta phải làm rõ cái quyền này:
- Công an xã chỉ được quyền tuần tra, giám sát giao thông đường bộ khi có lệnh của cấp trên.
- Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn mình quản lý.
- Riêng về việc xử phạt vi phạm hành chính thì công an xã chỉ được xử phạt 1 số lỗi nhất định.
Như vậy, lực lượng công an xã hoàn toàn có quyền dừng xe của người tham gia giao thông khi phát hiện thấy vi phạm hoặc chỉ đơn giản là để kiểm tra hành chính.
Về việc xử phạt, Công an xã có quyền xử phạt những lỗi sau đây:
STT | Hành vi vi phạm | Mức phạt |
1 | Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm | 100k – 200k |
2 | Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chở quá số người quy định | 100k – 400k |
3 | Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chở hàng hóa cồng kềnh | 300k – 400k |
4 | Đỗ xe ở lòng đường trái quy định + Đối với xe đạp, xe đạp máy + Đối với xe mô tô, xe gắn máy + Đối với xe ô tô | 60k – 80k 100k – 200k 600k – 800k |
5 | Điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng + Đối với xe mô tô, xe gắn máy + Đối với xe ô tô | 100k – 200k 7- 8 triệu đồng |
6 | Điều khiển xe không có gương chiếu hậu + Đối với xe mô tô, xe gắn máy + Đối với xe ô tô | 80k – 100k 300k – 400k |
7 | Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện | Phạt cảnh cáo hoặc 400k – 600k |
8 | Họp chợ dưới lòng đường | 2 – 6 triệu đồng |
Các bạn cần phân biệt rõ quyền lập biên bản và quyền xử phạt là 2 quyền khác nhau nhé:
- Quyền lập biên bản vi phạm hành chính: Khi phát hiện người tham gia giao thông có lỗi thì công an xã hoàn toàn có quyền yêu cầu người tham gia giao thông phải dừng xe, xuất trình giấy tờ xe để kiểm tra, nhắc nhở hoặc lập biên bản.
- Quyền xử phạt: Nếu lỗi của người tham gia giao thông thuộc phạm vi xử phạt hành chính của công an xã thì công an xã có thể xử phạt người vi phạm.
Tôi xem nhiều video trên mạng thấy nhiều bạn không nắm rõ luật cứ bảo lỗi này công an phường không có quyền xử lý, lỗi kia công an xã không có quyền xử lý,… nhưng thực tế khi đã tham gia tuần tra, kiểm soát giao thông thì lực lượng nào cũng có quyền dừng xe và lập biên bản người vi phạm. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Một số lưu ý
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong bảng trên không áp dụng cho công an phường mà chỉ áp dụng cho lực lượng công an xã gồm: Công an xã, Công an thị trấn nơi chưa bố trí tổ chức Công an chính quy.
2. Khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng thi hành công vụ phải sử dụng đúng trang phục, phương tiện được trang bị. Theo Điều 16 Pháp lệnh công an xã số 06/2008/PL thì Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên được trang bị, sử dụng trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận Công an xã theo quy định của Chính phủ. Trường hợp chưa được cấp thẻ công an viên thì phải có giấy chứng nhận công an xã, có chữ ký, đóng dấu giáp lai của công an cấp huyện.
3. Lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trang bị phương tiện nghiệp vụ gồm: còi, gậy chỉ huy giao thông và các biểu mẫu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
4. Công an xã không được dừng xe, kiểm soát giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Kết luận
1. Lực lượng công an xã có quyền tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông khi được sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
2. Hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định người tham gia giao thông có quyền yêu cầu công an xã phải xuất trình giấy phê duyệt có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, người dân không có cơ sở yêu cầu kiểm tra chuyên đề làm việc của công an. Tại sao lại như vậy?
Mặc dù trong Điều 8 Hiến Pháp 2013 có nêu rõ “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Nhiều người hiểu nhầm rằng “chịu sự giám sát của Nhân dân” là người dân thích kiểm tra giấy tờ của công an cũng được, yêu cầu công an phải cho xem chuyên đề, kế hoạch làm việc,… Tuy nhiên theo tôi thì các bạn đang hiểu sai cái khái niệm “giám sát” ở đây.
Không có văn bản nào quy định người dân được quyền kiểm tra chuyên đề của công an. Cũng không có văn bản nào quy định công an phải xuất trình chuyên đề cho người dân xem cả. Cho nên về mặt pháp lý thì công an có thể từ chối yêu cầu này của người dân. Giám sát không có nghĩa là có quyền kiểm tra giấy tờ của công an hay yêu cầu họ phải cho xem kế hoạch làm việc.
Có nhiều ý kiến cho rằng cần công khai, minh bạch kế hoạch làm việc của công an để tránh quan liêu, lạm quyền. Tuy nhiên nếu công khai rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng và những kẻ vô ý thức sẽ vin vào cái gọi là “chuyên đề” để lách luật một cách công khai.
Giải đáp vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân (Phó cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an) đã trả lời trên báo VNExpress: “Đó là kế hoạch nội bộ trong công việc của lực lượng công an nên người dân không thể vô lý yêu cầu kiểm tra. Hơn nữa, mỗi cảnh sát khi ra đường làm nhiệm vụ không phải lúc nào cũng cầm theo tờ “lệnh” kế hoạch, chuyên đề này. Không ai in cả nghìn bản rồi phát cho từng người mà chỉ có lãnh đạo cấp phòng hoặc cấp đội được nhận để rồi quán triệt, giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Nếu nghi ngờ có kẻ mạo danh, người dân thay vì yêu cầu được xem kế hoạch kiểm tra chuyên đề có thể kiểm tra bảng tên, thẻ chứng minh công an hay gọi điện thoại đến đơn vị… để xác minh. Điều đặc biệt là cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ thường theo tổ chứ không đi một mình.” (xem chi tiết)
Cục trưởng Cảnh sát giao thông thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng đã nói: “Chúng ta không phải xuất trình gì cả vì việc ra đường xử lý vi phạm đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Trên ngực cảnh sát giao thông có bảng tên, biển hiệu đàng hoàng nên người dân không được yêu cầu. Họ không có quyền đó”. (xem chi tiết)
Ngoài ra, Bộ Công An đã chính thức trả lời rằng: “Người dân có quyền theo dõi, giám sát các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng CSGT nhưng không có quyền “xem văn bản được cử đi làm nhiệm vụ hay không”, vì Kế hoạch công tác của lực lượng CSGT là một loại tài liệu nghiệp vụ của ngành Công an, chỉ có những người có trách nhiệm và có thẩm quyền mới được kiểm tra”. (xem chi tiết)
Nếu người tham gia giao thông có nghi ngờ giả danh cán bộ công an thì phải báo cho công an các cấp biết để xử lý, trong đó có thể gọi đến số điện thoại 069.2342608 là đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông.
Dân phòng thì sao?
Các lực lượng hỗ trợ như dân quân tự vệ, dân phòng, bảo vệ dân phố và lực lượng thanh niên xung phong không được phép tác nghiệp riêng. Khi họ muốn dừng xe hay truy đuổi người vi phạm giao thông thì bắt buộc trong quá trình làm nhiệm vụ phải có Công An hoặc Cảnh Sát Giao Thông cùng phối hợp. Trường hợp công an phường (xã) cùng dân phòng lập tổ tuần tra kiểm tra việc chấp hành luật giao thông thì Dân phòng được phép dừng xe của người vi phạm (vì có cả Công an viên đi cùng), nếu chỉ có Dân phòng đi riêng thì họ không có quyền dừng xe Người vi phạm.