Website là thứ mà chúng ta vẫn thường sử dụng hàng ngày nhưng có rất nhiều bạn không hiểu website là gì, không phân biệt được các loại website hoặc có website nhưng không biết cách khai thác giá trị,… Vì thế trong bài viết này tôi sẽ giúp các bạn định nghĩa về website theo cách dễ hiểu nhất, phân biệt các loại website và những lợi ích của nó đối với việc kinh doanh online.
Nội dung chính:
Website là gì?
Hiểu một cách đơn giản, website là một sản phẩm công nghệ được tạo ra bởi các lập trình viên. Nó bao gồm nhiều thành phần khác nhau như văn bản, hình ảnh, video, các tập tin đa phương tiện,… và có thể truy cập được thông qua một tên miền (hoặc tên miền phụ).
Dữ liệu của website được lưu trữ trên một máy chủ (hosting) luôn luôn hoạt động trực tuyến (online) để bất cứ ai cũng có thể truy cập vào xem. Người truy cập chỉ cần có một thiết bị cài đặt trình duyệt web và kết nối mạng internet là có thể xem website bất cứ lúc nào họ muốn.
Khái niệm website được sử dụng để gọi chung cho toàn bộ trang web, tức là tất cả những gì thuộc về website – chứ không phải webpage (một trang web) nhé.
Các loại website phổ biến hiện nay
Tùy vào tính chất của từng website mà chúng ta có nhiều cách phân loại khác nhau.
Phân loại website theo cấu trúc
Thực ra tôi cũng không biết gọi kiểu phân loại này là gì. Tạm dùng từ “cấu trúc” vì chưa biết sử dụng từ nào tốt hơn. Theo cấu trúc của website thì chỉ có 2 loại là web tĩnh và web động.
1. Web tĩnh
Là toàn bộ dữ liệu, thông tin của trang web được lưu trữ trong code của website. Loại website này không có phần quản lý, không có cơ sở dữ liệu (database) nên khi bạn muốn thêm mới hoặc chỉnh sửa bất cứ thành phần nội dung nào cũng phải sửa trong code. Tức là, bạn phải am hiểu về ngôn ngữ lập trình web thì mới chủ động chỉnh sửa được.
2. Web động
Là loại website có phần quản trị, có database. Người dùng có thể dễ dàng chỉnh sửa, thêm bớt, xóa bỏ các thành phần nội dung của trang web thông qua công cụ quản trị được thiết kế sẵn. Các trang báo điện tử, web tin tức, blog, diễn đàn, mạng xã hội,… đều thuộc thể loại website này.
Thoạt nghe các bạn có thể thấy web động có những ưu điểm vượt trội so với web tĩnh. Nhưng web tĩnh vẫn đang được sử dụng rất phổ biến hiện nay vì lý do gì? Rất đơn giản, với những trang web không cần phải cập nhật nội dung thường xuyên thì không cần thiết phải làm nó trở nên phức tạp. Ở ví dụ tiếp theo bạn sẽ có câu trả lời cho câu hỏi này.
Phân loại website theo mục đích sử dụng
Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi tạo ra website cũng có mục đích rất rõ ràng. Mục đích sử dụng đó chính là giá trị của trang web đối với người dùng, cụ thể:
1. Website thông tin, tin tức
Đây là một trong những loại website phổ biến nhất hiện nay. Các trang báo điện tử, trang tin tức trực tuyến, blog cá nhân,… nói chung là những trang web được tạo ra với nhiệm vụ chính là chia sẻ thông tin đều nằm trong nhóm này:
Báo điện tử
Là website của các tòa soạn báo uy tín, có chức năng xuất bản thông tin. Chỉ những website có giấy phép hoạt động báo điện tử thì mới được gọi là báo điện tử. Thông tin về giấy phép thường được gắn ở cuối trang web (footer). Ví dụ: dantri.com.vn, vnexpress.net, vtv.vn,…
Trang tin điện tử
Là website chia sẻ thông tin giống như báo điện tử nhưng không có quyền tự sản xuất và xuất bản tin tức như báo điện tử. Trang tin điện tử phải lấy lại thông tin từ các trang báo điện tử (có thỏa thuận về bản quyền).
Các trang tin điện tử muốn hoạt động hợp pháp cũng cần xin giấy phép làm trang thông tin điện tử. Ví dụ: baomoi.com, 24h.com.vn, kenh14.vn, cafef.vn, genk.vn, afamily.vn,…
Nếu chỉ nhìn vào thiết kế trang web, bạn sẽ rất khó phân biệt đâu là báo điện tử, đâu là trang tin điện tử. Cách phân biệt đơn giản nhất là Báo Điện Tử sẽ có thông tin về Tổng biên tập, còn trang tin điện tử thì không.
Blog cá nhân
Cũng là một trong những website dạng thông tin nhưng do cá nhân hoặc 1 nhóm cá nhân phát triển. Loại hình web blog cá nhân không cần phải xin giấy phép hoạt động. Tức là người phát triển blog cá nhân có quyền tự do xuất bản thông tin, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm sống,…
Vì nội dung không được kiểm duyệt nên chủ blog sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những nội dung mình đăng tải. Ví dụ: dovanphuong.com, thachpham.com, levantoan.com,… là những blog cá nhân.
2. Website giới thiệu cá nhân / công ty / tổ chức
Được tạo ra để quảng bá hình ảnh cho một cá nhân, một công ty hoặc một tổ chức nào đó. Nếu làm cho cá nhân thì nó cũng chẳng khác gì blog. Nếu làm cho công ty, tổ chức thì thường để cho khách hàng, đối tác, người hâm mộ có thể theo dõi các sự kiện và hoạt động liên quan đến họ. Ví dụ:
- Một nhiếp ảnh gia có thể xây dựng trang web để chia sẻ những hình ảnh mà mình tự chụp.
- Một câu lạc bộ có thể xây dựng trang web để chia sẻ các hoạt động về CLB.
- Một công ty có thể xây dựng website giới thiệu các sản phẩm dịch vụ của công ty.
Loại website này không cần xin giấy phép hoạt động. Ví dụ:
- Xưởng đồ gỗ mỹ nghệ Phạm Gia: xuongdogogiagoc.com
- Công ty Luật Gia Cát: luatgiacat.com
- Website bán đồ chơi công nghệ: sangtao88.com
3. Website bán hàng / thương mại điện tử
Đây cũng là một trong những loại hình web phổ biến nhất hiện nay vì xu hướng nền kinh tế đang chuyển mình từ kinh doanh truyền thống sang online. Hơn nữa việc xây dựng một website không hề khó (chi phí thấp) cho nên dù là cá nhân bán hàng online tại nhà hay doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng có được 1 website để kinh doanh.
Việc kinh doanh online sử dụng website tiết kiệm khá nhiều chi phí so với mô hình kinh doanh truyền thống (phải thuê cửa hàng/văn phòng ở mặt đường lớn) nên đây là sự lựa chọn tối ưu cho những cá nhân ít vốn hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ về loại website bán hàng: thegioididong.com, sendo.vn, shopee.vn, chotot.vn,…
Với những trang web có chức năng đặt mua hàng trên website thì các bạn phải xin giấy phép hoạt động TMĐT (thương mại điện tử).
4. Mạng xã hội
Chắc hẳn bạn cũng là 1 trong hơn 50 triệu người Việt Nam đang dùng Facebook – mạng xã hội lớn nhất thế giới? Ngoài Facebook ra có nhiều mạng xã hội khác nữa như:
- Youtube, TikTok (mạng xã hội chia sẻ video);
- Twitter (cũng tương tự Facebook);
- Linkedin (mạng xã hội nhắm đến các doanh nghiệp hoặc cá nhân có mục đích tìm kiếm cơ hội hợp tác, tuyển dụng,…),
- Pinterest, Instagram (mạng xã hội chia sẻ ảnh rất nổi tiếng đã bị Facebook mua lại),…
Ở Việt Nam có mạng xã hội Zalo, myclip.vn,…
Nói chung mỗi mạng xã hội tồn tại được đều vì nó sở hữu những giá trị riêng. Nhiệm vụ của tất cả các mạng xã hội chỉ đơn giản là nơi tạo ra sự kết nối, chia sẻ giữa các thành viên. Về cơ bản, tất cả những website cho phép thành viên đăng ký tài khoản, thảo luận hoặc xuất bản nội dung tự do… đều thuộc nhóm mạng xã hội và phải xin giấy phép hoạt động mạng xã hội.
Xem thêm: Mạng xã hội ảnh hưởng đến SEO như thế nào?
5. Diễn đàn (forum)
Xét về bản chất thì diễn đàn cũng là nơi kết nối, chia sẻ giữa các thành viên nên có thể coi diễn đàn là một mạng xã hội (giấy phép hoạt động diễn đàn giống với mạng xã hội). Tuy nhiên, về tuổi đời thì mô hình diễn đàn ra đời trước mạng xã hội rất lâu. Trong quá khứ, diễn đàn từng có một thời hoàng kim phát triển rất mạnh, nhưng hiện nay gần như đã bị thay thế bởi các group trên mạng xã hội.
Hiện tại ở Việt Nam chỉ còn 1 số diễn đàn lớn là còn hoạt động. Ví dụ tiêu biểu như: webtretho.com, tinhte.vn, otofun.net, vfo.vn,…
6. Website giải trí
Các trang chia sẻ hình ảnh, âm nhạc, video clip, phim… thuộc nhóm này. Nếu trang web chỉ chia sẻ thông tin một chiều, không có chức năng đăng ký thành viên thì được coi là blog cá nhân. Nhưng rất nhiều site cho phép đăng ký thành viên để chia sẻ dữ liệu, tham gia bình luận nên về bản chất như thế cũng là 1 mạng xã hội nên phải đăng ký xin giấy phép hoạt động mạng xã hội.
Tổng kết
Trên đây chỉ là những loại hình website phổ biến. Còn có rất nhiều thể loại khác mà người thiết kế ra để phục vụ các mục đích chuyên biệt. Chẳng hạn như hệ thống live chat trên nền tảng web, hệ thống kế toán, quản lý bán hàng, quản lý nhân sự, bản đồ,…
Website hoạt động như thế nào?
Có bao giờ bạn thắc mắc về cách website hoạt động? Làm sao mà nó lại hoạt động 24/24 không cần nghỉ như vậy? Đây là câu trả lời:
Trước tiên, bạn cần hiểu một số khái niệm sau:
1. Mã nguồn
Tiếng Anh là source code, là những đoạn mã do các lập trình viên viết ra để định hình cấu trúc, tính năng và giao diện của trang web. Mã nguồn được được viết từ những ngôn ngữ lập trình phổ biến như ASP.net, PHP, Perl, Ruby, Python, Java,…
2. Hosting (máy chủ web)
Là nơi lưu trữ mã nguồn, cơ sở dữ liệu (database) và tất cả các file bạn tải lên (hình ảnh, nhạc, video,…). Nói chung bạn có thể hiểu host là nơi lưu trữ tất cả mọi thứ của website. Đồng thời, host cũng là nơi được thiết kế đặc biệt để tạo ra môi trường sống cho website. Tùy vào ngôn ngữ lập trình web mà host cũng phải được thiết kế riêng để hiểu được ngôn ngữ lập trình đó.
Xem thêm: Các loại hosting phổ biến hiện nay
3. Tên miền
Chính là tên gọi của website (ví dụ dovanphuong.com, dantri.com.vn, facebook.com,…). Tên miền được trỏ về hosting để giúp người dùng kết nối chính xác đến trang web mà họ muốn xem. Vì thế tên miền là duy nhất, không thể trùng lặp (giống như số điện thoại của bạn).
Quá trình website được tải và hiển thị
- Khi một người truy cập vào một trang web thì trình duyệt web sẽ xác định xem tên miền đang được kết nối đến máy chủ web ở đâu và gửi yêu cầu đến đó.
- Máy chủ web nhận được yêu cầu sẽ lập tức xử lý, biên dịch mã nguồn website sang ngôn ngữ siêu văn bản (HTML) rồi gửi lại cho trình duyệt web.
- Tất cả các trình duyệt web đều có khả năng đọc hiểu ngôn ngữ siêu văn bản (HTML) nên sẽ hiển thị ra một trang web theo đúng cấu trúc dữ liệu mà nó nhận được từ máy chủ web.
Như vậy, dù website của bạn được lập trình bằng ngôn ngữ nào đi nữa thì khi được trả về trình duyệt web nó chỉ là những đoạn mã HTML (do đã được máy chủ web biên dịch).