30 năm sự nghiệp của Hoài Linh chả là cái thá gì hết!

Giữa lùm xùm nghi vấn biển thủ tiền từ thiện lên đến hơn 13 tỷ đồng, nghệ sĩ Hoài Linh đã nở một nụ cười nhạt đầy khinh bạc và trả lời bằng một câu hỏi: “Nếu lấy sự nghiệp 30 năm của mình để đánh đổi cái mười mấy tỷ này, thì quý vị nghĩ là có nên không”.

Có thể lý lẽ này sẽ làm cứng họng nhiều người, nhưng tôi có cái nhìn hoàn toàn khác. Bởi với tôi, 30 năm sự nghiệp của Hoài Linh chả là cái thá gì hết nếu so sánh với sự nguy cấp của đồng bào miền Trung khi ấy!

Hãy xem hậu quả của trận bão lũ lịch sử năm 2020

Đó là một đợt thiên tai lớn nhất trong lịch sử ảnh hưởng đến 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tính đến ngày 04/12/2020, nước lũ đã làm sập hàng nghìn căn nhà, khiến hơn 333.000 ngôi nhà bị hư hại và hơn 511.000 nhà bị ngập nước. Bão lũ còn thổi bay gần 200.000 ha lúa và hoa màu, hơn 4 triệu vật nuôi bị cuốn trôi. Đó là còn chưa kể cả ngàn km đường giao thông, các công trình bị hư hỏng… tổng ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 35.181 tỷ đồng.

Trước tình hình cả triệu con người đang đói rét, sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nghệ sĩ ưu tú – danh hài Hoài Linh đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng ủng hộ được số tiền hơn 13 tỷ để cứu giúp bà con miền Trung. Nhưng anh đã làm gì với số tiền ấy?

Scandal “tẩy chay” Hoài Linh

Hơn 6 tháng qua đi có lẽ những người đã chuyển tiền cho nam nghệ sĩ vẫn hết mực tin tưởng rằng họ đã phần nào giúp đỡ được đồng bào miền Trung. Nhưng không! Sự thật đáng buồn được phơi bày trong video livestream tối ngày 22/05/2021 của bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng “lò vôi”, chủ công ty du lịch Đại Nam).

Bà Hằng kể về giấc mơ “lạ” nói rằng 13 tỷ tiền từ thiện mà nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi quyên góp cho đồng bào miền Trung hồi cuối năm 2020 vẫn còn trong tài khoản của nam danh hài. Thông tin này khiến cộng đồng mạng bị sốc vì trước nay nghệ sĩ Hoài Linh là người rất có uy tín, không lý nào ăn chặn tiền của dân nghèo?

Lý do bà Phương Hằng “bóc phốt” nghệ sĩ Hoài Linh?

Trước đó khoảng đầu tháng 3/2021, bà Hằng tố cáo ông Võ Hoàng Yên đã lừa gạt hàng trăm tỷ tiền từ thiện, xây chùa của bà.

Do Hoài Linh từng góp mặt trong nhiều video biểu diễn khả năng chữa bệnh “thần kỳ” của ông Yên. Nhờ “uy tín” của nam danh hài mà ông Yên dễ dàng chiếm được lòng tin của mọi người, được tung hô là “thần y”. Vì vậy bà Phương Hằng yêu cầu nghệ sĩ Hoài Linh phải lên tiếng “xác nhận” khả năng chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên.

Danh hài Hoài Linh từng nhiều lần xuất hiện cùng "thần y" Võ Hoàng Yên
Danh hài Hoài Linh từng nhiều lần xuất hiện cùng “thần y” Võ Hoàng Yên

Nếu bây giờ Hoài Linh nói ông Yên không chữa được bệnh thì khác gì tự vả vào mặt mình. Nhưng nếu nói ông Yên chữa được mà sau đó bà Hằng có bằng chứng là ông Yên không thể chữa thì Hoài Linh sẽ trở thành kẻ nói dối, tiếp tay cho ông Yên lừa đảo.

Ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, Hoài Linh đã lựa chọn im lặng nên bà Phương Hằng tiếp tục tố nam nghệ sĩ nhận hầu đồng giá 1 tỷ 1 lần. Lúc này sự việc đã trở nên nghiêm trọng vì mặc dù hầu đồng không sai, nhưng thu tiền để lên đồng, buôn thần bán thánh là dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật.

Hoài Linh vẫn tiếp tục im lặng nên bà Hằng quyết định “bóc phốt” chuyện ém hơn 13 tỷ tiền cứu trợ lũ lụt miền Trung và tạo ra scandal như hiện tại.

Sự thật về số tiền từ thiện mà Hoài Linh quyên góp được

Bị dồn đến bước đường cùng, sáng ngày 24/5, nghệ sĩ Hoài Linh đã lên tiếng xác nhận số tiền quyên góp được không phải 13 tỷ mà là 14,67 tỷ đồng. Anh khẳng định số tiền đó vẫn ở trong tài khoản và đang lên kế hoạch để chuyển đến tay người dân vùng lũ. Lý do chậm trễ đến hơn 6 tháng là vì dịch Covid-19 nên chưa đi được. (xem video)

Rất nhiều fan cuồng lên tiếng bênh vực cho Hoài Linh với luận điểm rằng “vì lý do sức khỏe” hoặc “vì quá bận”,… nhưng tất cả lời giải thích này đều không thể thuyết phục được người hâm mộ. Làn sóng chỉ trích nghệ sĩ Hoài Linh bùng phát ngày càng dữ dội. Phần lớn các ý kiến đều bày tỏ sự phẫn nộ và đòi “tẩy chay” nam danh hài.

Đỉnh điểm của scandal xảy ra vào tối ngày 24/5 khi hình ảnh sao kê tài khoản của nghệ sĩ Hoài Linh tại ngân hàng quân đội (MB) bị phát tán trên mạng cho thấy số tiền 14 tỷ từ thiện không còn nguyên vẹn. Trong đó có nhiều khoản giao dịch chuyển tiền “mang tính cá nhân”. Điều đó cho thấy Hoài Linh đang thiếu minh bạch và trách nhiệm với số tiền không phải của mình. Hình ảnh một nghệ sĩ “giản dị”, “dân dã” bị sụp đổ hoàn toàn trong mắt người hâm mộ.

Làn sóng đòi “tẩy chay” Hoài Linh xuất hiện khắp nơi trên internet khiến nhiều chương trình, nhãn hàng phải xem xét dừng hợp tác với nam nghệ sĩ. Trong đó nổi bật là gameshow Thách thức danh hài bị khán giả dọa “tẩy chay” nếu vẫn giữ ghế giám khảo của Hoài Linh. Còn sàn thương mại điện tử Shopee (thuê Hoài Linh làm đại sứ thương hiệu) đã phải gỡ bỏ hầu hết hình ảnh của nam nghệ sĩ trên các kênh truyền thông của mình.

Ngày 29/05, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác nhận đã chuyển đơn đề nghị xem xét thu hồi danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đối với Hoài Linh tới Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh.

30 năm sự nghiệp của Hoài Linh là cái thá gì?

Nếu bạn nghĩ rằng tôi đang phủ nhận những đóng góp của nghệ sĩ Hoài Linh là hoàn toàn sai rồi nhé!

30 năm sự nghiệp của Hoài Linh đã làm được những gì có lẽ chỉ bản thân Hoài Linh và những người từng đồng hành cùng anh mới hiểu rõ. Còn tôi, một fan hâm mộ, chỉ biết đến anh qua truyền thông báo chí thì chỉ hiểu được phần nào mà thôi.

Tôi biết có nhiều việc tốt anh làm nhưng không công bố thì mọi người sẽ không biết. Nhưng tôi cũng biết có nhiều lúc báo chí sẽ “nhận tiền” để PR cho một ai đó lên tận mây xanh. Cho nên tôi không hoàn toàn tin vào những gì mình xem được trên mạng đâu!

Nghệ sĩ Hoài Linh luôn xuất hiện trước công chúng với vẻ giản dị nhưng anh là một đại gia ngầm?
Nghệ sĩ Hoài Linh luôn xuất hiện trước công chúng với vẻ giản dị nhưng anh là một đại gia ngầm?

Nhiều người hâm mộ dùng lý lẽ rằng Hoài Linh rất giàu, có cả nhà thờ Tổ 100 tỷ, cát xê nhất nhì showbiz Việt thì sẽ không vì tham mười mấy tỷ mà làm bậy. Bản thân Hoài Linh còn khéo léo hơn khi lấy danh tiếng của 30 năm sự nghiệp ra giải thích.

Nếu suy nghĩ đơn giản, các bạn sẽ thấy đúng, rất hợp lý. Nhưng không! Khi đặt nó trong hoàn cảnh đặc biệt như thời điểm lũ lụt miền Trung thì sai hết! Từ khi nào sự giàu có, hào quang của danh vọng lại được dùng để bao biện cho cái sai của mình?

Ai dám nói GIÀU thì không THAM?

Có câu lòng tham của con người là vô đáy. Thành ngữ cũng nói “nhà giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn” để khẳng định rằng người càng giàu lại càng tham làm cho giàu thêm, người nghèo thì chỉ lo làm sao để có đủ cái ăn mà thôi. Cho nên khi lấy sự giàu có của Hoài Linh ra làm lý do để nói anh sẽ không tham 14 tỷ tiền từ thiện chỉ là lý lẽ của bọn fan cuồng!

Nếu giàu mà không tham thì những đại gia nghìn tỷ như Hà Văn Thắm (chủ tịch Ocean Bank), Trần Bắc Hà (chủ tịch BIDV) hay Trầm Bê (chủ tịch Sacombank), Lê Thanh Thản (chủ tịch Mường Thanh) đã không phải đi tù.

Nếu so về danh vọng địa vị thì Hoài Linh tuổi gì sánh vai với những Dương Chí Dũng (Cục trưởng, chủ tịch Vinalines), Trịnh Xuân Thanh (chủ tịch PVC). Hay như Nguyễn Bắc Son (bộ trưởng), Trương Minh Tuấn (bộ trưởng), Nguyễn Đức Chung (chủ tịch Hà Nội), Đinh La Thăng (bí thư TP HCM),… có ai mà không sai phạm vì tiền?

14 tỷ đối với người dân miền Trung có quan trọng?

Cứ cho là Hoài Linh giàu thật (giàu cỡ nào tôi không rõ), và 14 tỷ đối với 30 năm sự nghiệp của anh nó không đáng là gì. Nhưng đối với những con người đang đói rét, khốn khổ vì thiên tai ở miền Trung thì đừng nói là 14 tỷ, kể cả 14 triệu cũng sẽ cứu được biết bao người khỏi cơn đói.

Thử tính đơn giản như này: Thu nhập trung bình của một người lao động khoảng 5 triệu/tháng. Thì 14 tỷ sẽ giúp được 2.800 người có 1 tháng không cần đi làm để dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại cuộc sống.

Nếu cho mỗi gia đình bị mất trắng sau thiên tai 100 triệu làm vốn để họ có thể phục hồi cuộc sống thì 14 tỷ có thể cứu giúp 140 gia đình. Mỗi gia đình trung bình có 4 người, thì sẽ cứu được 560 người.

Báo Thanh Niên đã ưu ái tìm cách gỡ khéo cho Hoài Linh. Nếu tôi mà là người phỏng vấn, tôi sẽ vả thẳng vào mặt Hoài Linh một câu hỏi: 30 năm sự nghiệp của anh có thể so với số phận của 560 con người hay không?

Nếu bà Hằng không nói ra, anh sẽ im lặng đến bao giờ?

Đây là tiền của các mạnh thường quân ủng hộ, không phải tiền của cá nhân Hoài Linh. Nên anh không thể định đoạt số tiền đó theo ý mình! Anh dám đứng ra kêu gọi ủng hộ thì phải có trách nhiệm với sứ mệnh của mình. Đó là cứu trợ người dân đúng thời điểm!

Thử nghĩ xem, Hoài Linh chớp cơ hội vào đúng thời điểm bà con đang khổ sở vật lộn với mưa lũ thì đứng lên kêu gọi. Các mạnh thường quân mới sinh lòng trắc ẩn mà ào ào quyên góp tiền với hi vọng cứu người trong lúc nguy nan. Bây giờ đã qua 6 tháng rồi, thời điểm này Hoài Linh thử đứng lên kêu gọi xem được mấy người góp tiền?

Thế nên, việc anh không có hành động “cứu trợ”, im lặng cho đến khi bị bà Phương Hằng ép phải lên tiếng là hoàn toàn sai. Nếu bà Hằng không nói ra, anh sẽ im lặng đến bao giờ?

Người hâm mộ chờ mong điều gì ở Hoài Linh?

Thiên hạ người ta xót thương đồng bào, họ tin tưởng đưa tiền cho anh, để anh nhanh chóng chuyển số tiền ấy đến nơi cần nhanh nhất. Vậy mà anh ngâm tiền từ mùa mưa cho đến mùa khô, rồi thản nhiên trả lời đến mức nhâng nhâng đầy tự tin bằng câu hỏi là mười mấy mấy tỉ của chúng mày đã là gì so với sự nghiệp của ông mà thắc mắc?

Hoài Linh trần tình về việc chậm giải ngân số tiền cứu trợ lũ lụt
Hoài Linh trần tình về việc chậm giải ngân số tiền cứu trợ lũ lụt. Ảnh cắt từ video do nghệ sĩ Hoài Linh cung cấp cho Báo Thanh Niên

Tôi nói thật, cộng đồng người ta đang thất vọng vì lòng tốt của người ta gửi nhầm chỗ. Vì người ta hâm mộ anh, người ta mong vớt vát lại niềm tin bằng một lý do nào đó có thể thông cảm được. Chứ cái sự nghiệp 30 năm của anh thì liên quan quái gì đến họ? Vậy mà anh lại đem cái sự nổi tiếng của anh ra để lèo lái dư luận, để lấp liếm và lờ đi cái sai của mình.

Dù bây giờ Hoài Linh có chuyển số tiền đó cho người dân miền Trung, hay trả lại những người đã quyên góp… thì hình tượng của anh trong mắt người hâm mộ đã sụp đổ rồi.

Sự sụp đổ niềm tin không phải chỉ thuộc về một mình Hoài Linh nữa mà là niềm tin với cánh nghệ sĩ. Bởi mặc dù Hoài Linh không thể đại diện cho tất cả giới nghệ sĩ, nhưng anh là người có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong giới showbiz Việt, nổi tiếng là “giản dị” và “giàu có”. Người “đáng tin” như thế mà còn kêu gọi từ thiện một đằng, làm một nẻo thì cộng đồng còn có thể tin được ai?

Hoài Linh có vi phạm pháp luật khi giữ tiền từ thiện hơn 6 tháng?

Hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng về trường hợp của cá nhân tự tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ. Tôi nghĩ Hoài Linh đủ giàu để hoàn trả nguyên vẹn 14 tỷ kia. Nên chắc sẽ không có vấn đề gì với pháp luật.

Hoài Linh có ý định ăn chặn tiền từ thiện không?

Cái này thì chỉ bản thân anh ta biết thôi. Nếu bạn tiêu hết 14 tỷ và không có khả năng hoàn trả thì người ta sẽ nói bạn ăn chặn. Nhưng nếu bạn có tiền hoàn trả thì bạn có thể viện cớ “chậm trễ” như Hoài Linh. Ngày mai bạn đi từ thiện nguyên vẹn số tiền 14 tỷ đó, chẳng ai dám nói bạn ăn chặn.

Hoài Linh sẽ giải quyết số tiền 14 tỷ đó ra sao?

Anh khẳng định sẽ giữ đúng lời hứa. Hẹn sẽ đích thân trao số tiền này đến tay người dân miền Trung sau khi đợt dịch covid này lắng xuống.

Hoài Linh liệu có bị tước danh hiệu NSƯT không?

Nếu anh không vi phạm pháp luật thì ai dám tước danh hiệu của anh?

Hãy “thông cảm” vì Hoài Linh đang sửa sai?

Ngày 31/05/2021, người đại diện của Hoài Linh đã trao 1 tỷ đồng cho Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị và 1.4 tỷ cho huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Đồng thời, ủng hộ 750 triệu cho huyện Quảng Điền (Huế) và 320 triệu cho huyện Phong Điền (Huế).

Đấy, ngay từ đầu anh “bận” sao anh không giao chuyện từ thiện cho người đại diện của anh? Hơn nữa, anh lấy lý do dịch bệnh để giải thích cho việc “chậm trễ” mà giờ dịch đang căng hơn cả năm ngoái anh lại giải ngân nhanh thế?

Vừa hôm 24/05 trên Báo Thanh Niên anh nói “chờ dịch bệnh qua nhanh đích thân anh đến trao tận tay số tiền từ thiện này” mà sau thấy dư luận vẫn căng quá, anh lại cố gắng “xoa dịu” bằng cách chuyển tiền cho Ủy ban MTTQ Việt Nam thông qua người đại diện? “đích thân” và “trao tận tay” là như thế sao?

Nhiều fan đang kêu gọi hãy “thông cảm” cho Hoài Linh vì anh đang cố gắng sửa sai. Nhưng anh thử ăn chặn 1 đồng xem người ta có kiện anh đi tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không? Tiền đó đâu phải của anh, trước sau gì cũng phải trả cho người dân miền Trung thôi.

Nghệ sĩ không làm từ thiện nữa thì ai cứu dân?

Sự thật Hoài Linh “thiếu trách nhiệm và không minh bạch” đã quá rõ ràng, thế nên những nghệ sĩ lên tiếng bênh vực cho Hoài Linh hoặc từng đứng ra kêu gọi quyên góp tiền từ thiện cho miền Trung đều bị khán giả “gọi tên”. Một trong những cái tên nổi bật chính là Trấn Thành khi anh không chuyển tiền cứu trợ cho Thủy Tiên như thông báo.

Dù đã đăng cả video sao kê tài khoản để chứng minh việc đã chuyển toàn bộ tiền cứu trợ, đồng thời lên tiếng xin lỗi, nhưng Trấn Thành vẫn khó được chấp nhận. Một fan hâm mộ bênh vực anh bằng bình luận: “Cứ như này rồi nghệ sĩ không dám làm từ thiện nữa. Rồi ai sẽ cứu người dân? Trước giờ người dân miền Trung bị bỏ mặc nhiều, chỉ có nghệ sĩ mới dám kêu gọi từ thiện, đợi nhà nước thì đến cái ca cũng chẳng còn”.

Nhiều người khác cũng ủng hộ quan điểm này với các bình luận, đại loại như:

“Không có nghệ sỹ thì lấy ai làm từ thiện”

“Cứ thế này các nghệ sỹ không làm từ thiện nữa thì chỉ thiệt người dân!”

“Nếu không có nghệ sỹ làm từ thiện thì người dân bị bỏ mặc lâu rồi”

Đúng là thiếu hiểu biết, lật lọng, tráo trở và vô ơn!

Ngay giữa cơn lũ dữ những ngày tháng 9, tháng 10 năm 2020, là ai đã xông pha vào tận biển nước, trèo lên từng mái nhà, lội xuống từng con ngõ bị ngập đến cổ? Là ai phải vào tận rốn lũ, các điểm sạt lở nguy hiểm để cứu người dân? Là ai trực ngày đêm để đưa tin về tình hình bão lũ? Đó chẳng phải là bộ đội, công an, những cán bộ xã, cán bộ huyện, lực lượng phóng viên, lực lượng y tế,… hay sao?

Lực lượng cứu hộ vượt mọi nguy hiểm để cứu bà con vùng lũ

Còn nhớ vụ sạt lở đất ở Rào Trăng đã cướp đi 13 cán bộ, chiến sỹ của đoàn công tác cứu hộ. Sau đó sạt lở đất ở Hướng Hóa, Quảng Trị tiếp tục cướp mất 22 cán bộ chiến sỹ thuộc Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 Quân khu IV (có đồng chí mới chỉ vừa tròn 20 tuổi). Chỉ tính riêng Quân khu IV đã có tới 33 chiến sĩ hy sinh khi khắc phục thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Mộ phần của các đồng chí ấy xanh cỏ chưa được 1 năm nhưng ngay thời điểm này – trên mạng xã hội vẫn có những kẻ sẵn sàng phủi sạch sự hy sinh của những con người ấy, vu khống cho Nhà nước bỏ mặc Nhân dân miền Trung. Đó là một sự vô ơn đến tận cùng!

Rất nhiều người có sẵn ác cảm với lực lượng công an (đặc biệt là CSGT) nên luôn tìm cách “vùi dập”, phủ nhận những điều tốt đẹp mà họ đã làm. Chúng ta lên án những điều sai trái là đúng nhưng hãy công tâm hơn khi nhìn nhận sự việc này. Tất cả mọi người đều đã “hết mình” với nhân dân cùng vượt qua thiên tai!

Truyền thông không phản ánh được hết thực tế!

Các nghệ sĩ đi làm từ thiện thì mang theo cả ekip để chụp ảnh, quay phim, lấy tư liệu về “khoe” cho thiên hạ biết. Họ làm vậy không sai vì họ cần phải xây dựng hình ảnh bản thân, cần nổi tiếng hơn. Mặt khác, nếu tiền từ thiện là do cộng đồng quyên góp thì họ cũng phải công khai những gì đã làm được cho cộng đồng thấy.

Nhưng nghệ sĩ đi từ thiện cũng chỉ được phép đến những vùng an toàn, những nơi nguy hiểm vẫn là nhiệm vụ của người lính. Ngay cả phóng viên cũng không được phép đi cùng thì lấy đâu ra tư liệu cho các bạn xem? Dù ở những nơi an toàn, lực lượng phóng viên cũng có hạn, không thể đưa tin về từng đoàn cứu hộ được. Những thước phim, hình ảnh về tình hình bão lũ miền Trung chỉ là một bức tranh toàn cảnh, không đủ để thể hiện hết những gì các cán bộ, chiến sĩ đã làm vì nhân dân.

Các bạn nghĩ mà xem, để lau dọn, rửa sạch từng ngôi nhà, từng con ngõ đang dính đầy bùn đất cần bao nhiêu con người? Để xử lý xác chết của hàng triệu vật nuôi ngăn ngừa dịch bệnh cần bao nhiêu con người? Ai phân phối lương thực, thực phẩm đến tay người dân?…

Vẫn là các chiến sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng thanh niên tình nguyện,… đồng hành cùng nhân dân miền Trung tái thiết lại cuộc sống. Nhờ có sự hy sinh thầm lặng và công sức của hàng vạn con người ấy thì miền Trung mới khôi phục được như bây giờ.

Trào lưu nghệ sĩ làm từ thiện chỉ mới có những năm gần đây!

Đất nước Việt Nam không phải đến bây giờ mới có bão lũ, nó là cuộc chiến chống thiên tai ngàn đời của dân tộc ta rồi. Trước khi internet phát triển, nghệ sĩ có mấy người có được cuộc sống giàu có, sung túc mà nghĩ đến chuyện từ thiện, giúp dân? Chỉ số lượng ít ỏi những ngôi sao hạng A mới có đủ điều kiện để làm và được báo chí đưa tin.

Nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội mà kể cả những diễn viên, ca sĩ bình thường, thậm chí chẳng có tài năng mấy, chỉ cần có nhan sắc cũng dễ dàng nổi tiếng. Giới nghệ sĩ không chỉ kiếm tiền dễ hơn mà còn có nhiều cách kiếm tiền hơn. Không đi diễn thì đóng quảng cáo, làm mẫu ảnh, đi sự kiện, lên mạng chém gió, bán hàng online,… việc nào cũng đều hái ra tiền.

Khi cuộc sống no đủ, giàu có thì phong trào thiện nguyện của nghệ sĩ mới nổi lên và thu hút sự chú ý của dư luận.

Còn những người lính thì khác, họ làm chẳng vì thương hiệu bản thân hay quảng cáo nhãn hàng. Họ làm vì trách nhiệm, nghĩa vụ, lương tâm nghề nghiệp. Nếu không có hoạt động thiện nguyện của nghệ sĩ, thì họ vẫn làm, vẫn cứu giúp người dân như bao năm qua mà thôi. Tổ quốc này chưa bao giờ “quên” nhân dân của mình!

Nghệ sĩ đi làm từ thiện sẽ được gì?

Trước tiên phải khẳng định rằng: Không chỉ các nghệ sĩ, bất cứ ai đi làm từ thiện đều rất đáng trân trọng. Kết quả của việc từ thiện thì giống nhau cả thôi, nhưng điểm khác nhau ở đây là gì?

Để tạo dựng danh tiếng?

Những người nghệ sĩ (rộng hơn là người nổi tiếng) có nhiều fan hâm mộ, sức ảnh hưởng trong xã hội lớn hơn người bình thường. Cho nên khi họ đứng ra kêu gọi thì dễ dàng hội tụ sức mạnh, nguồn lực của nhiều người hơn. Đó là cái mà “người thường” khó làm được.

Vậy nên khi các nghệ sĩ đứng ra kêu gọi cứu trợ, bên cạnh giá trị vật chất còn giúp lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong xã hội. Tôi rất nể và trân trọng!

Sau đợt cứu trợ miền Trung năm 2020, danh tiếng của vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh tăng lên đáng kể
Sau đợt cứu trợ miền Trung năm 2020, danh tiếng của vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh tăng lên đáng kể

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, người nổi tiếng kiếm tiền chính nhờ sự nổi tiếng của họ cho nên nếu xét ở góc độ lợi ích – nghệ sĩ làm từ thiện sẽ mang lại danh tiếng tốt hơn, có nhiều fan hâm mộ hơn thì khả năng kiếm tiền cũng theo đó mà tăng.

Do đó, nếu ai nói tôi đi làm từ thiện không phải vì danh tiếng thì thật là khó tin! Có lẽ, không phải là tất cả, nhưng vì nghệ sĩ kiếm tiền nhờ danh tiếng nên đành phải chấp nhận thôi!

Làm giàu không khó với “tiền chùa” từ thiện?

Những vụ việc như của Hoài Linh và Trấn Thành vừa qua chính là lời cảnh báo rõ ràng nhất về những hệ lụy không đáng có khi nghệ sĩ kêu gọi cứu trợ một đằng nhưng làm từ thiện một nẻo. Người quyên góp gần như không hề biết gì về các hoạt động giải ngân của nghệ sĩ sau đó. Tất cả gần như chỉ dựa vào hai chữ “niềm tin” để tồn tại. Và rồi khi sự thật được phơi bày, nhiều người mới ngã ngửa và mất niềm tin. Nhưng tiền “bay” đi rồi, đòi lại làm sao?

Khoan hãy nói đến vấn đề có hay không chuyện ăn chặn tiền từ thiện ở đây vì cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Nhưng khi tiền nằm trong tài khoản cá nhân của người nghệ sĩ, rất khó để minh bạch được! Nếu họ thực sự muốn “ăn bớt” thì không thiếu cách để làm.

  • Phổ biến nhất là hình thức từ thiện “tặng lương thực, thực phẩm hàng hóa kém chất lượng, gần hết hạn sử dụng” (mua với giá thanh lý rất rẻ) để kê khai khống giá.
  • Thông đồng với người nhận tiền từ thiện để tạo ra các hình ảnh trao tặng giả mạo nhằm đánh lừa cộng đồng.
  • Hợp thức hóa tiền từ thiện bằng cách kê khai chi phí tổ chức sự kiện, thuê người, thuê chỗ ở, xe cộ đi lại,… cao ngất ngưởng.

Nói chung, nếu không có ai kiện tụng gì thì công an họ đâu rảnh mà tự nhiên điều tra về việc làm từ thiện của ai đó. Bởi đấy là việc tốt mà, không tôn vinh thì thôi lại còn nghi ngờ “lòng tốt” của người ta thì ai mà chẳng tự ái.

Nhưng dính đến tiền bạc không minh bạch không được! Hơn nữa, đó còn liên quan trực tiếp đến uy tín, trách nhiệm và danh dự của người nghệ sĩ. Vậy nên, các nghệ sĩ càng cần phải có trách nhiệm với lời nói của mình. Bằng không, mọi ý nghĩa tốt đẹp của việc từ thiện sẽ trở nên vô nghĩa, thậm chí gây tác động ngược, khiến xã hội có cái nhìn tiêu cực, lệch lạc, mất hết niềm tin với các hoạt động thiện nguyện.

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
59 Bình luận
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
59
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x