Những mánh khóe ăn tiền của thợ sửa điều hòa (máy lạnh)

Máy điều hòa không khí (hay còn gọi là máy lạnh) là một trong những thiết bị gia dụng phổ biến nhất hiện nay, thậm chí có thể coi là không thể thiếu trong thời tiết mùa hè nóng như đổ lửa tại Việt Nam. Báo điện tử VNExpress đã công bố ảnh chụp vệ tinh cho thấy thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận đang ở đỉnh điểm về nhiệt độ (thường xuyên ở mức trên 40 độ), cảm giác thời tiết vô cùng khô, nóng và nhiều tia bức xạ…

Trong hoàn cảnh như thế mà điều hòa bị hỏng hoặc hôm nào bị mất điện thì đúng là “số bạn quá đen”. Vận đen ấy bất ngờ ghé thăm gia đình tôi vào đúng cái ngày mà Hà Nội có lúc nhiệt độ mặt đường lên đến gần 50°C – thật là khủng khiếp. 17h30 khi chuẩn bị từ cơ quan về thì nhận được tin nhắn của vợ: “Anh ơi điều hòa nhà mình không mát, em bật nửa tiếng rồi mà chỉ có gió chứ không thấy mát…”

Tôi tức tốc trở về nhà và gọi ngay cho anh thợ sửa điều hòa đang làm cho điện máy Nguyễn Kim (nơi tôi mua điều hòa), anh ấy bảo: “Em thông cảm cho anh vì những ngày nóng như này thợ của anh nó cũng chạy sô cả ngày mệt rồi nên chắc phải mai anh mới qua kiểm tra cho em được”. Không thể chờ đợi thêm nên tôi đành Google để tìm kiếm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa.

Chỉ trong 15 phút 2 đồng chí thợ sửa điều hòa đã có mặt và ngay lập tức lao vào làm việc với thái độ “rất nhiệt tình”. Không khó để nhận ra có 1 người là thợ sửa chính, đồng chí còn lại đi theo học nghề và phụ việc. Chỉ với một thiết bị đo cầm tay, trong “chớp mắt” đồng chí thợ chính quay ra bảo: “Anh ơi của anh bị thiếu gas rồi, em bơm thêm gas nhé”. Nghĩ bụng mình cũng chả biết gì về lĩnh vực này hơn nữa gọi chúng nó qua đây rồi chẳng nhẽ lại không làm, thôi thì ừ cho được việc. Tôi quan sát thấy họ có gắn bình gas vào bơm thêm, mắt nhìn đồng hồ rất tập trung… và cũng chỉ khoảng 1-2 phút là xong. Sau đó họ bảo dưỡng điều hòa cho nhà tôi bằng cách tháo ra vệ sinh các thứ.

Kết quả: Tiền vệ sinh điều hòa là 100K, tiền bơm gas thêm 300K nữa là tổng thiệt hại 400K. Tối hôm đó đi ngủ nằm trong phòng điều hòa mà người vẫn toát mồ hôi đầm đìa, nóng quá làm vợ chồng tôi bị mất ngủ cả đêm. Sáng hôm sau thì anh sửa điều hòa quen (làm ở Nguyễn Kim) gọi điện lại hỏi có cần đến bảo dưỡng nữa không để anh ý cho thợ qua, tôi bảo OK.

Anh ấy bảo: “Điều hòa nhà em sạch thế này cần gì vệ sinh nữa. Nó bị vấn đề gì à?”. Tôi mới trình bày là hôm qua trời nóng quá nên đã gọi thợ qua mạng đến bảo dưỡng điều hòa mất tận 400k mà vẫn không ăn thua. Ông ý xua tay bảo thế là em dại rồi, sau đó ngồi giải thích và chia sẻ đủ thứ về các lỗi thường gặp của máy điều hòa nhiệt độ, nguyên nhân khiến cho máy điều hòa không thể làm lạnh, giá thị trường của các dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng và không quên nhắc nhở tôi phải lưu ý cái này cái nọ,… chốt lại là “em cứ lên mạng tìm hiểu thêm để tránh mất tiền ngu”.

Chính vì “tiền vẫn mất mà tật vẫn phải mang”, bài học vì sự ngu dốt, thiếu hiểu biết đó, cộng thêm 1 đêm ức chế mất ngủ nên tôi đã hạ quyết tâm phải viết bài chia sẻ này, phải dập tắt và tẩy chay thói “lừa đảo”, “ăn tiền bẩn” của bọn thợ sửa chữa điều hòa vô lương tâm. Nếu chúng nó lấy tiền cao, thậm chí vẽ thêm chi phí linh tinh nhưng giải quyết dứt điểm vấn đề cho mình thì còn đỡ, đằng này tiền mất tật mang mà lại mua bực vào người, tổn thương tinh thần.

Cách duy nhất để các bạn tránh được những mánh khỏe lừa đảo chính là bản thân các bạn phải hiểu biết, hoặc có được sự giúp đỡ của một người hiểu biết (giống như anh thợ sửa điều hòa quen của nhà tôi). Nhưng để chủ động nhất thì bạn không thể phụ thuộc vào người khác bởi không phải lúc nào họ cũng ở bên cạnh bạn. Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ về cấu tạo của một chiếc máy lạnh, nguyên lý hoạt động và tổng hợp những lỗi thường gặp, lý giải nguyên nhân và hướng xử lý để các bạn chưa biết có thể tham khảo, tránh mất tiền oan giống như tôi.

Máy lạnh hoạt động như thế nào?

Mỗi máy điều hòa không khí có 2 bộ phận chính là:

  1. Dàn lạnh (còn gọi là cục lạnh) gắn ở trong phòng
  2. Dàn nóng (cục nóng) đặt ngoài trời.
  3. Ngoài ra còn có 1 chiếc điều khiển từ xa (remote).

Trong quá trình hoạt động thì dàn lạnh sẽ chạy suốt không nghỉ còn dàn nóng lúc chạy lúc nghỉ tùy vào nhiệt độ trong phòng đã đạt yêu cầu hay chưa.

Cấu tạo của điều hòa
Cấu tạo của điều hòa nhiệt độ

Khi các bạn dùng điều khiển bật máy điều hòa lên thì dàn lạnh sẽ chạy, quạt dàn lạnh hút và thổi không khí liên tục tạo ra sự luân chuyển và phân tán không khí đều trong căn phòng. Bên trong dàn lạnh có gắn bảng điện tử điều khiển mọi hoạt động của điều hòa (gọi là board) và có cảm biến nhiệt dùng để đo nhiệt độ không khí trong phòng.

Khi nhiệt độ trong phòng cao hơn nhiệt độ cài đặt ít nhất 1-2°C thì board sẽ ra lệnh cho dàn nóng chạy. Khi dàn nóng chạy sẽ cung cấp gas lỏng tới dàn lạnh, gas lỏng bị bay hơi trong dàn lạnh và thu nhiệt của không khí đi qua, không khí mất nhiệt nên nhiệt độ sẽ giảm xuống. Khi nhiệt độ không khí trong phòng giảm xuống bằng nhiệt độ cài đặt thì board sẽ ra lệnh cho dàn nóng nghỉ (tạm ngừng quá trình làm lạnh).

Do nhiệt độ trong phòng thấp hơn bên ngoài nên có sự truyền nhiệt từ bên ngoài vào trong cùng với các vật tỏa nhiệt khác bên trong phòng sẽ làm nhiệt độ không khí trong phòng từ từ tăng lên cho đến khi cao hơn nhiệt độ cài đặt khoảng 1-2°C (khoảng chênh lệch nhiệt độ này tùy thuộc vào thiết kế của mỗi nhà sản xuất) thì board sẽ điều khiển dàn nóng chạy lại. Quá trình làm lạnh tiếp tục diễn ra.

Kinh nghiệm sử dụng điều hòa

  1. Khi dàn nóng chạy thì dàn lạnh mới có chức năng làm lạnh và tiêu tốn nhiều điện năng nhất. Khi dàn nóng không chạy thì dàn lạnh chỉ là cái quạt luân chuyển không khí trong phòng nên không tốn điện là mấy.
  2. Mỗi máy điều hòa được đều có ngưỡng giới hạn nhiệt độ (do nhà sản xuất thiết kế) – đây là nhiệt độ thấp nhất mà máy có thể làm lạnh được. Nếu bạn cài đặt nhiệt độ trên điều khiển thấp đến nhiệt độ giới hạn này thì dàn nóng sẽ phải chạy hết công suất để làm lạnh và tiêu thụ điện năng tối đa. Cho nên để tiết kiệm điện thì bạn không nên để nhiệt độ trên điều khiển điều hòa quá thấp mà nên để trong khoảng từ 23-25°C. Bởi vì mức nhiệt độ cài đặt trên điều khiển (remote) chỉ là điểm ngắt của máy nén (dàn nóng) chứ không phải nhiệt độ mà dàn lạnh cấp ra. Chỉ cần nhiệt độ trong phòng giảm đến 25 độ là bạn sẽ thấy rất dễ chịu rồi, nếu để 18-20°C thì rất dễ bị viêm họng hoặc cảm lạnh, nhất là khi nhà có trẻ nhỏ thì càng không nên.
  3. Các bạn không nên để cho điều hòa thổi thẳng vào người vì rất dễ bị cảm lạnh mà không biết.
  4. Trước khi đi ra khỏi phòng điều hòa các bạn nên tắt điều hòa trước khoảng 5-10 phút để cho nhiệt độ phòng tăng dần lên gần bằng nhiệt độ ngoài trời để tránh bị sốc nhiệt (nhiều trường hợp khi thay đổi nhiệt độ bất thường cơ thể người không thích nghi được nên bị sốc dẫn đến choáng váng, thậm chí còn tử vong)
  5. Không nên ở trong phòng điều hòa cả ngày. Bạn nên cho điều hòa nghỉ, mở tất cả các cửa và dùng quạt thổi hết không khi tù đọng trong phòng ra, kết hợp đón ánh nắng vào phòng giúp tiêu diệt vi khuẩn.
  6. Không nên bật tắt điều hòa liên tục làm giảm tuổi thọ của máy và lãng phí điện năng.
  7. Phòng điều hòa cần phải khô ráo để tránh các loại nấm, vi khuẩn phát triển.
  8. Phòng điều hòa cần phải được cách nhiệt tốt, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào và phải kín để tránh thất thoát hơi lạnh ra bên ngoài.
  9. Không nên để quá nhiều đồ đạc trong phòng điều hòa vì nó sẽ hấp thụ hết nhiệt khiến cho không khí trong phòng lâu lạnh hơn bình thường.

Vì sao máy điều hòa không thể làm lạnh?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều hòa không thể làm lạnh, ví dụ:

1. Do bị thiếu gas

Thiếu gas (hoặc hết gas) có thể là do ngay từ khi mới lắp đặt thợ lắp điều hòa đã không nạp đủ gas (cố tình ăn bớt) hoặc do máy bị rò rỉ gas (do mối nối không khít hoặc đường ống bị hở). Gas của điều hòa là loại gas đặc biệt không thể tự biến mất trong điều kiện hoạt động bình thường của máy nên nếu bạn sử dụng ít và máy điều hòa mới mua thì không bao giờ có chuyện bị hết gas. Hết gas chỉ xảy ra trong trường hợp máy bị rò rỉ, mà nếu bị rò rỉ gas thì thợ sửa điều hòa phải kiểm tra đường ống xem rò ở đâu để vá lại trước khi bơm thêm gas.

  • Nếu thợ bảo dưỡng điều hòa vừa nhìn đã phán điều hòa bị hết ga, rồi ngay lập tức bơm thêm mà không kiểm tra thì chắc chắn 100% là lừa đảo, ăn tiền.
  • Bình thường với điều hòa mới mà dùng ít thì sau 3-4 năm mới phải nạp thêm gas, nếu bạn dùng nhiều thì 1-2 năm.
  • Nhiều trường hợp thợ bảo dưỡng điều hòa tự ý xả gas rồi bảo điều hòa thiếu gas để ép khách phải nạp thêm. Sau đó tính giá bơm ga đắt hơn bình thường để trục lợi. Do đó ngay khi thợ mang đồng hồ vào đo áp suất khí ga thì bạn phải yêu cầu họ cho xem đồng hồ.
    • Nếu áp suất ở mức 0.65 đến 0.8 thì là bình thường không cần phải nạp thêm.
    • Còn nếu áp suất ở thấp hơn như 0.5 hoặc 0.4 thì mới phải nạp.
  • Theo như lời anh thợ sửa điều hòa cho nhà tôi thì nếu điều hòa thiếu gas phải nạp thêm cũng chỉ tốn từ 70-100k thôi, trừ trường hợp phải nạp đầy ga lại từ đầu thì mới hết đến 300k-400k nên tốt nhất bạn cứ hỏi giá trước khi bơm.

2. Lốc của điều hòa không hoạt động

Lốc (còn gọi là block) là bộ phận máy nén có chứa gas nằm bên trong cục nóng của điều hòa. Có thể coi lốc là bộ phận quan trọng nhất – là trái tim của mỗi chiếc điều hòa cho nên nếu lốc không chạy thì điều hòa đương nhiên sẽ không thể hoạt động.

Lốc điều hòa
Lốc điều hòa nằm trong cục nóng

Một khi lốc điều hòa không chạy thì điều hòa chỉ có gió chứ không thể làm mát. Để kiểm tra bạn chỉ cần đứng trước cục lạnh của điều hòa (bộ phận gắn trong nhà) xem khí thổi vào có mát hay không là biết ngay, nếu chỉ thấy gió (như kiểu gió quạt) tức là lốc chưa mở. Những nguyên nhân dẫn đến sự cố này như sau:

Do điện yếu

Một chiếc máy lạnh bình thường hiện nay có hai mức điện áp là 220- 240V hoặc 200- 208V. Nếu máy lạnh được cung cấp điện ổn định thì nó sẽ chạy và làm mát bình thường nhưng nếu điện quá yếu thì chỉ đủ cho quạt gió (ở cục lạnh) chạy chứ block không thể hoạt động. Do đó bạn cần thêm ổn áp (lioa) để đảm bảo dòng điện ổn định cho điều hòa hoạt động.

Theo lời một số thợ sửa máy lạnh của Trung tâm điện lạnh Bách Khoa thì dòng điện khoảng 180V là điều hòa có thể hoạt động được rồi nhưng nếu để lâu sẽ hại cho block. Vì vậy nếu điện nhà bạn yếu thì nên trang bị 1 chiếc ổn áp lioa chạy riêng cho điều hòa (tuy nhiên việc dùng ổn áp sẽ tốn nhiều điện hơn).

Do không có điện vào máy nén

Lỗi này có thể do đứt dây, bảng điều khiển bị hỏng hoặc bộ tiếp xúc điều khiển không đóng, hở mạch… lỗi này thì phải gọi thợ sửa là cái chắc rồi.

Thermic bảo vệ lốc tự nhảy

Điều hòa nào cũng có Thermic được gắn trên đầu block (đây là chỗ nóng nhất). Thermic của máy lạnh là 1 loại rơ-le nhiệt hoạt động giống như rơ-le của bàn là (bàn ủi) điện. Trong trường hợp Thermic bị nóng hơn bình thường sẽ nở ra làm cho mạch bị hở và máy nén ngừng hoạt động. Khi Thermic nguội đi thì nó sẽ tự động đóng lại để máy nén tiếp tục chạy.

Thermic quá nóng có thể do block bẩn, tụ điện bên trong bị hỏng, quạt tản nhiệt bị hỏng hoặc máy nén hoạt động quá lâu trong điều kiện khắc nghiệt (điều kiện khắc nghiệt ở đây có thể hiểu là nơi đặt cục nóng quá bí khó tản nhiệt, ánh nắng mặt trời nhiệt độ cao,…). Bạn cần đảm bảo nơi đặt cục nóng thoáng khí, dễ tản nhiệt và chỉ sử dụng điều hòa khi thực sự cần thiết, tránh bật điều hòa cả ngày vì máy móc cũng cần được nghỉ ngơi thì tuổi thọ mới cao.

Máy nén bị hỏng

Hỏng do bị chập, cháy, đứt dây,… không cần nghi ngờ gì nữa, bạn phải gọi thợ sửa điều hòa đến để sửa hoặc thay lốc mới (đắt lắm, lốc điều hòa 9000 BTU giá cũng hơn 2tr rồi, công suất càng lớn thì càng đắt).

3. Do máy lạnh bị bẩn

Không chỉ riêng điều hòa nhiệt độ mà nói chung các thiết bị điện tử khác nếu không được sử dụng thường xuyên hoặc bảo dưỡng định kỳ sẽ rất nhanh bị hỏng hoặc bụi bẩn làm giảm hiệu suất hoạt động của máy.

Nếu bạn sử dụng máy lạnh thường xuyên thì nên bảo dưỡng vệ sinh trong 6 tháng, nếu sử dụng ít hơn thì mỗi năm bảo dưỡng 1 lần. Giá thị trường của dịch vụ bảo dưỡng điều hòa hiện nay dao động từ 80k đến 120k tùy thợ, nhưng có thể bạn sẽ bị chém lên đến 150k thậm chí 200k vì vậy trước khi gọi thợ đến bảo dưỡng bạn nên hỏi giá trước để tránh bị chặt chém. Trong trường hợp phải nạp thêm gas hãy nhớ những lưu ý mà tôi đã chia sẻ ở trên.

4. Những nguyên nhân khác

Có trường hợp điều hòa vẫn hoạt động bình thường nhưng không khí trong phòng vẫn không mát là do những nguyên nhân khác, chẳng hạn như:

  • Công suất của điều hòa không phù hợp với thể tích của phòng (phòng quá rộng). Cái này là do lỗi của bạn khi chọn mua điều hòa (hoặc lỗi của người tư vấn không am hiểu nên tư vấn sai cho bạn). Cách tính công suất máy lạnh phù hợp với thể tích căn phòng được chia sẻ ở bài viết này.
  • Đồ dùng trong phòng quá nhiều, nhiều đồ sinh nhiệt hoặc hấp thụ nhiệt cao (ví dụ máy tính, các loại đèn sợi đốt, bàn ghế gỗ, bọc da, vật liệu làm bằng xốp, giấy, thùng cát tông,…)
  • Tường căn phòng bị ánh nắng mặt trời chiếu quá lâu sẽ tỏa ra rất nhiều nhiệt và lâu nguội cũng sẽ làm căn phòng không thể mát. Phòng ngủ nhà bạn tôi có 1 mặt hướng Tây nên vào những ngày oi bức mà Hà Nội lên đến 40 độ thì căn phòng đó y hệt cái lò sưởi, điều hòa bật rất lâu cũng không thể làm mát căn phòng đó được vì vậy nó thường xuyên phải ngủ ở phòng khách trong những ngày như vậy. Đến khổ.!

Những mánh khóe móc túi khách hàng phổ biến

Với những kiến thức cơ bản ở trên thì phần nào bạn sẽ tránh được những thủ đoạn móc túi khách hàng phổ biến của những thợ sửa máy lạnh vô lương tâm. Tuy nhiên nếu gặp phải những ca khó thì bạn vẫn mất tiền như thường và đôi khi dù biết bị mất tiền cũng đành chịu chứ không làm gì khác được.

Thủ đoạn 1

Ngay từ khi lắp đặt máy lạnh cho bạn thì họ cũng không thiếu cách để “ăn tiền”, chẳng hạn như không bơm đầy gas, sử dụng dây điện lõi nhôm chứ không phải dây lõi đồng, bán thêm phụ kiện hoặc tính giá cao hơn để ăn chênh lệch…

Thực tế có rất nhiều siêu thị điện máy chỉ bán máy chứ không bán phụ kiện nên thợ lắp điều hòa lợi dụng mua phụ kiện “dởm” ở bên ngoài đến lắp cho khách. Khách hàng thì lại có thói quen xin số điện thoại của thợ lắp điều hòa mới cho nhà mình để tiện cho việc bảo dưỡng và sữa chữa sau này bởi vì dù sao họ cũng đang làm việc cho một siêu thị điện máy lớn, có uy tín nên có thể tin tưởng được.

Nhưng cuộc đời không như là mơ, rất nhiều thợ sửa điều hòa có tư duy chộp giật và họ sử dụng dây điện lõi nhôm thay cho dây lõi đồng bởi vì dây lõi nhôm sẽ dễ bị ô xy hóa sau thời gian sử dụng nên thường bị đứt ngầm dẫn đến máy lạnh không thể hoạt động. Khi khách hàng gọi “thợ quen” đến thì thôi xong, nó phán thế nào thì là thế đó, xì tiền ra là bệnh sẽ khỏi – chỉ có điều không biết khi nào bệnh cũ sẽ lại tái phát?

Thủ đoạn 2

Dây diện 2/2.5 (sử dụng cho điều hòa) mua bên ngoài giá lẻ khoảng 15-20k/mét nhưng có thể thợ lắp điều hòa báo thành 25-30k/m để ăn chênh lệch.

Cũng như ống đồng, giá trung bình khoảng 130k-150k/m nhưng thợ có thể báo lên 160k-170k/m.

Bạn thử tính xem, mỗi loại vật tư báo giá chênh thêm 10-20k thì cũng ăn đủ rồi, ví dụ khoảng cách đường ống dài 10m thì họ đã “ăn ngay” được ít nhất là 200k của bạn. Khi đó nó lắp xong rồi, test thử ngon lành rồi chẳng nhẽ lại kêu đắt với rẻ?

Vậy nên hãy hỏi giá trước để tránh bị chặt chém, nếu họ báo giá hợp lý thì làm không thì thôi.

Thủ đoạn 3

Thói quen của chúng ta là cứ khi nào dùng thì mới gọi thợ đến bảo dưỡng cho nên cứ vào mùa nắng nóng là dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng điều hòa lại lên ngôi, gọi được thợ sửa điều hòa khó hơn cả lên zời, phải hẹn lịch các kiểu. Cũng bởi vì thế mà giá bảo dưỡng điều hòa nghiễm nhiên tăng thêm vài chục nghìn mà không khách hàng nào phàn nàn.

Giá bình thường chỉ từ 80-120k bỗng biến thành 150k-200k mà chúng ta vẫn rất vui vẻ, trong khi đó vì đông khách và tranh thủ kiếm ăn theo mùa vụ nên họ cũng chạy sô như showbiz, vệ sinh điều hòa nhanh nhanh chóng chóng để đi “kiếm” của khách khác. Với tinh thần, thái độ làm việc như thế liệu có đảm bảo chất lượng?

Nếu điều hòa nhà bạn vẫn hoạt động bình thường và chỉ gọi thợ đến để vệ sinh thì mánh khóe móc túi thường thấy là “điều hòa thiếu gas phải bơm thêm”, hãy lưu ý theo hướng dẫn ở phần trên.

Nạp gas điều hòa
Luôn kiểm tra đồng hồ đo áp suất gas điều hòa để tránh bị “chém”

Nếu điều hòa nhà bạn không mát phải gọi thợ đến để kiểm tra và sửa chữa thì hãy theo hướng dẫn trên để tự kiểm tra và loại trừ những nguyên nhân không thể. Sau đó mới gọi thợ đến xem họ “phán” như thế nào để biết họ có phải là người có tâm hay không? Hỏi người thân, bạn bè xem có quen ai bảo dưỡng điều hòa uy tín không thì gọi người đó.

Thủ đoạn 4

Thợ sửa điều hòa sau khi kiểm tra phán rằng không mang đủ đồ nghề nên phải tháo điều hòa mang về kiểm tra và sửa chữa tại nhà (hoặc tại công ty) thì bạn không nên để họ mang điều hòa về. Cứ lấy một lý do nào đó như kiểu “tạm thời anh/chị cũng chưa có nhu cầu sử dụng ngay nên thôi để khi khác, lúc nào rảnh thì anh/chị chủ động mang qua chỗ em” rồi thanh toán phí kiểm tra (50-100k) để họ đi về.

Một khi bạn để họ mang điều hòa về kiểm tra thì có trời mới biết họ làm gì với chiếc điều hòa của bạn. Khi đó câu chuyện về giá chỉ đơn giản là một con số, sẽ có một lý do hợp lý nhất kèm theo chi phí sửa chữa… không những bạn phải chờ đợi mà còn bị mất tiền ngu trong khi không hiểu điều hòa bị làm sao?

Có thể nó bị bụi bẩn và chỉ cần vệ sinh sạch sẽ xong là hoạt động bình thường nhưng một khi thợ sửa đã mang về rồi thì nguyên nhân không bao giờ là như thế. Nói chung, bất kể là vấn đề gì thì hãy yêu cầu họ xử lý nó ngay tại nhà của bạn, quên đồ thì về lấy chứ có gì ghê gớm đâu. Đừng dại để họ tháo ra mang về (trừ khi thợ uy tín và tin tưởng được).

Tóm lại, bạn càng am hiểu bao nhiêu thì càng giảm rủi ro bị mất tiền oan bấy nhiêu, tuy nhiên nghề nào cũng có cách “kiếm ăn” của nghề đó nên thôi, vì mình không biết nên chấp nhận trả phí cao hơn bình thường miễn sao vấn đề của mình được giải quyết. Hơn nữa ai cũng phải sống và mỗi năm bạn cũng chỉ phải bảo dưỡng điều hòa có 1 lần thôi. Đơn giản hóa suy nghĩ, nếu bị mất tiền ngu thì coi như làm từ thiện 😀

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
3 Bình luận
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
3
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x