Vietjet Air và Bamboo Air lấy đâu ra tiền để mua máy bay Boeing?

Mấy ngày nay có nhiều thông tin về việc Vietjet Air mua 100 chiếc Boeing 737MAX trị giá 12.7 tỉ USD và Bamboo Air mua 10 chiếc Boeing 787 trị giá 2.9 tỉ USD.

Có nhiều bạn cho rằng VJA và BBA không thể xoay sở, kiếm được số tiền lớn như thế, kể cả trong 10 năm tới, để thực hiện hợp đồng. Từ đó cho rằng việc ký kết này chỉ là làm màu, PR mà thôi, dạng 1 kiểu “bản ghi nhớ” (Memorandum of Understanding) hay “hợp đồng tạm” (Provisional contract). Chưa kể một số người còn tung tin rằng, “tiền mua” là việc rửa tiền tham nhũng cho ai đó?

Vậy nên tôi xin tổng hợp thông tin cho ra bài này để mọi người hiểu thêm.

Thông tin từ CNCB, Reuters, Blomberg cho biết các đơn hàng lần này của Bamboo và Vietjet đều là “firm order”. Reuters thậm chí còn trích dẫn nguồn tin riêng cho biết 100 máy bay 737MAX đã được lên lịch trình sản xuất cho khách hàng vừa đặt.

Có một số bạn cho là điều này là không thể, đơn giản vì cả anh Quyết và chị Thảo đều không thể có chừng ấy tiền để mua đống máy bay đó, tiền đó chắc “rửa tiền” (đọc cái này buồn cười lắm)… Việc anh Quyết và chị Thảo không có tiền là đúng, có điều làm kinh doanh vốn là “tay không bắt hổ”, nếu cứ chờ có tiền rồi mới đi mua thì đến mùa quýt Sao Hỏa nhé. Người ta bảo “Thương Trường như Chiến Trường” muốn thành công thì phải có “Chiến lược Binh pháp ổn thỏa” vì thế mới có nhiều “chiêu thức kinh doanh” vận dụng linh hoạt các cách “dụng binh, khoan thư, Trọng địa tắc lược, hợp tung…” để có tiền mà kinh doanh!

Tôi xin giải thích như sau:

1. Trước tiên bạn cần biết về “sale and leaseback”

Đây là 01 loại mô hình kinh doanh do người Do Thái nghĩ ra đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới và lão Alan Phan khi sang Mỹ cũng dùng cách kinh doanh này để làm giàu.

Hãng hàng không mua máy bay của hãng sản xuất (Boeing và Airbus) xong rồi bán lại cho các hãng cho thuê máy bay với cam kết thuê lại chính các máy bay đó. Các hãng hàng không khi mua đạt số lượng thì sẽ luôn được Boeing, Airbus chiết khấu. Nếu số lượng đủ lớn và đúng dòng máy bay đang bán chậm thì mức chiết khấu khá cao. Giống như mua điện thoại Samsung giá niêm yết sẽ được tặng quà hoặc hoàn lại tiền vậy đó. Đồng thời, đây cũng là cách mà AirAsia đã làm và nhiều hãng hàng không khác ở Mỹ, EU đều áp dụng mấy thập kỷ qua!

“Phương pháp Kinh doanh” này giúp đem lại lợi ích cho cả 03 như sau:

  • Boeing thì bán được máy bay, có đơn hàng dài hạn để duy trì sản xuất, lợi nhuận và giá cổ phiếu được đảm bảo, công nhân không mất việc, hợp đồng linh kiện với các hãng sản xuất khác không bị bể từ đó dần dà tạo ra lợi nhuận trong tương lai để duy trì kinh doanh.
  • Hãng hàng không thì mua được giá rẻ hơn khi mua số lượng lớn, đảm bảo có máy bay để sử dụng theo đúng tiến độ, có người thu xếp tài chính (hãng cho thuê) cho mình trả dần.
  • Hãng cho thuê thì có thêm máy bay để cho các hãng hàng không khác thuê khi có nhu cầu, bổ sung máy bay mới thay các máy bay cũ (chi phí sửa thì mua mẹ cái mới cho rồi).

Tuy nhiên các hãng hàng không có thể chưa có được 1 số tiền lớn để mua nhiều máy bay, như Vietjet hay Bamboo mua mỗi lần hàng tỉ, hàng chục tỉ USD, trong khi 2 hãng này có mà bán sạch sành sanh cũng không moi ra được tỉ USD đủ để mua máy bay. Thế nên các hãng này mới phải làm thêm nghiệp vụ “bán đi rồi thuê lại”. Toàn bộ số máy bay vừa đặt mua sẽ được bán lại theo từng đợt cho 01 hãng chuyên cho thuê máy bay với giá niêm yết, xong 02 hãng này ký hợp đồng thuê lại theo từng lô đã bán. Khi đó hãng hàng không “lời” ngay 1 số tiền hoa hồng đáng kể, còn hãng cho thuê thì có thêm máy bay mới để bổ sung và cũng kiếm được “hợp đồng”.

Ngoài ra, máy bay giao theo tiến độ cho nên không có chuyện mua 100 chiếc rồi bán và thuê lại 100 chiếc cùng lúc đâu nhé. Và “bán-thuê” sẽ theo kiểu từng đợt (5-10 chiếc) cho nên không phải lô máy bay nào về cũng áp dụng cách này, ví thế mà hãng cho thuê với hãng thuê họ kiếm lời được dựa trên nhu cầu của 02 bên và hãng hàng không phải tự cân đối theo nhu cầu vận tải của mình.

Điều này lý giải tại sao VJA, BBA liên tục mua máy bay với số lượng khủng, VJA đã đặt tổng cộng 250 máy bay trong khi hiện tại chỉ đang vận hành tổng cộng 64 máy bay. BBA ký mua 44 chiếc trong khi chỉ đang vận hành 6 chiếc. Đặc biệt BBA mua khá nhiều Boeing 787 là loại máy bay to bay đường dài, thường chỉ có hãng lớn, bay tuyến xa, nhu cầu lớn mới khai thác, trong khi BBA thậm chí còn chưa được phép bay quốc tế. Lý do là vì dòng máy bay này tỉ lệ chiết khấu hoa hồng cao hơn mấy dòng máy bay kia, ngoài ra hãng Boeing cũng cần thanh lý gấp số máy bay tồn kho (không có nghĩa là cùi) khi mà hiện nay các ông lớn hàng không trên thế giới đang lao đao vì “khách Châu Âu hay Mỹ” toàn chơi kiểu chi phí eo hẹp vì khủng hoảng tài chính, Brexit, cấm vận Nga gây khủng hoảng cho EU,… vân vân và mây mây lý do để cắt giảm chi tiêu!

Khác biệt giữa VJA và BBA là: “VJA đặt mua số lượng lớn nhưng theo nhu cầu của mình (máy bay thân hẹp cho chặng ngắn và vừa). Còn BBA thì đặt mua 1 số lượng khá lớn 787 thân rộng, (vốn chỉ phù hợp với bay chặng dài, có lượng khách chuyên chở lớn) là dòng máy có giá cao và mức chiết khấu cao hơn nhiều”. Có thể BBA quyết chơi chuyến bay thẳng Việt – Mỹ. Nếu giá vé ổn, khả năng cao dân Việt kiều đổ xô về Việt nam, như Du lịch Việt sẽ khởi sắc nhiều cũng như lượng kiều hối sẽ tăng mạnh, ngoài ra việc này cũng sẽ giúp cho hình ảnh Việt Nam phát triển phồn vinh được truyền bá mạnh mẽ hơn trước đây khi mà các chuyến bay Mỹ – Việt khá phức tạp nên người Mỹ gốc Việt ít về Việt Nam mà chỉ nhìn thấy hình ảnh do bọn “chống phá” đăng tải rồi bảo Việt Nam thua kém.

Một đòn bẩy tài chính tốt cho các hãng hàng không phát triển đội máy bay nhưng cũng là con dao 02 lưỡi nếu kế hoạch kinh doanh và quản lý không tốt!

2. Sẽ có bạn thắc mắc vậy thì mua càng nhiều, càng lời. Mấy hãng sao không “bán-mua-thuê” luôn 1.000 hay 10.000 chiếc cho lời (chiết khấu) nhiều?

Thực tế cái lời đó là lời giả, vì chiết khấu kiểu gì thì tiền đó cũng sẽ được dùng vào “bảo dưỡng, sửa chữa và các chi phí phát sinh kèm theo…”. Lợi nhuận mà VJA và BBA nhắm tới chính là việc làm ăn của tương lai mà ra, như kiểu Viettel Global chấp nhận lỗ 03 hoặc 10 năm để thu lời khủng sau đó và giờ họ gần như đã thống trị các thị trường mà họ đặt chân đến trên Thế giới!

Còn hiện tại thì 03 bên đều có lợi mà họ cần thôi, bài toán tài chính đó giải được nhu cầu cả 03 bên và nằm trong chiến lược họ đưa ra chứ chả thằng nào dại mà tham cho lắm rồi ăn cho đủ, ví như Boeing ký sản xuất nhiều mà không kịp thì nó phạt sấp mặt, bởi Boeing đâu sản xuất hết linh kiện máy bay, cũng đi đặt ở các hãng khác rồi về ráp lại cho nên vẫn là phụ thuộc nhiều khâu, chỉ cần chậm tiến độ 01 lô hàng thôi là đã lao đao rồi. Còn các hãng hàng không và hãng cho thuê nó căn cứ tài chính của nó kham được cỡ nào thì nó chơi cỡ đó thôi, chi phí chiết khấu thì thực tế nó cũng được dùng ngược lại rồi chứ chả phải bỏ túi được và mua lại cả ngàn chiếc xong năm sau thằng Boeing hay Airbus nó ra mẫu mới cái ngàn chiếc kia thành đồ cũ thì phải làm sao? (nó cho thuê chứ có phải nó làm chuyên chở bay đâu)!

3. Có bạn thắc mắc tại sao mấy Công ty chuyên cho thuê máy bay nó ngu thế, không mua trực tiếp Boeing, Airbus với giá 40 triệu mà lại đi mua của bọn hàng không giá 50 triệu làm chi.

Nói thật là bọn họ chả ngu tẹo nào, quá khôn nữa là khác. Tụi nó mua trực tiếp từ hãng giá rẻ rồi cho ai thuê? Lâu lâu có khách có nhu cầu thuê ngắn hạn thì khách đâu cần phải máy bay mới, cái nào chả được miễn hiệu quả thì thôi. Còn mua để đó thì lỗ chổng vó ngay. Mua của hãng hàng không thì nó ăn ở cái hợp đồng cho thuê lại đó. Về bản chất nó là hãng cho vay tiền thế chấp bằng máy bay, nhưng về mặt hồ sơ thì nó là chủ sở hữu, hãng hàng không là người đi thuê để lỡ hãng phá sản thì không ai được siết tài sản đó của nó… và rõ ràng việc này hợp pháp, cả 04 bên (hãng bán – hãng mua – hãng cho thuê – khách hàng) đều có lợi, ai cũng được thỏa mãn nhu cầu!

Và những giải thích phía trên cũng đồng thời giải thích lý do tại sao VNA ít có những hợp đồng mua máy bay khủng như Vietjet hoặc Bamboo. Nguyên nhân là vì VNA là hãng quốc doanh, không có nhu cầu bóc lợi nhuận ngay từ bây giờ, không sale and leaseback để rồi tương lai rập rình nguy cơ bị lỗ. Dính đến hoa hồng hoa tỏi, kinh doanh lời 10 năm lỗ 1 năm là có nguy cơ bóc lịch thiên thu. Chưa kể, máy bay của VNA đều loại ngon cả, vé có cao nhưng khách vẫn đông, lợi nhuận vẫn đều tay thì cần gì phải làm thế.

Ai hiểu rõ hơn, vui lòng chỉ thêm!

P/s: Nói thêm thì, các máy bay mà VJA và BBA mua là loại máy bay vận tải lớn, trong trường hợp nào đó cần chuyển “hàng nóng” cấp tốc đi nhanh với số lượng cỡ thì số máy bay này dư sức biến đổi để sử dụng chứ không phải đi nhờ giúp như hồi 1979!

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x