Hiểu đúng về Hosting không giới hạn – Xin đừng quá ngây thơ!

Ai cũng phấn khởi khi nghĩ đến tương lai không xa website của mình phát triển rất tốt, có một lượng lớn traffic mỗi ngày. Vì thế để chuẩn bị cho tương lai, các bạn “non kinh nghiệm” thường bị mê hoặc với dịch vụ hosting không giới hạn (Unlimited Hosting). Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ về khái niệm “không giới hạn” mà các nhà cung cấp hosting đặt ra? Bạn đã hiểu đúng về khái niệm “không giới hạn” đó hay chưa?

Các nhà cung cấp dịch vụ hosting quảng cáo “hosting không giới hạn” chẳng qua là vì họ dám cam đoan đáp ứng “không giới hạn” nhu cầu của bạn. Cụ thể là: họ cho phép bạn lưu trữ và truyền tải “không giới hạn” dung lượng, không giới hạn số lượng tài khoản FTP, Database, Email,… Nghe có vẻ hấp dẫn đấy, nhưng bạn nên nhớ một điều là họ đang chỉ nói về những thứ “không giới hạn” mà không hề nhắc đến những thứ “bị giới hạn”.

Vậy những thứ “bị giới hạn” ở đây là gì ?

  • Đó là giới hạn về số lượng tập tin (files) bạn được phép lưu trữ trên host;
  • Đó là giới hạn về số truy vấn đến cơ sở dữ liệu;
  • Đó là giới hạn về định dạng files được lưu trữ;
  • Đó là giới hạn về CPU, RAM,…

Vâng, nếu bạn cần giải thích rõ hơn:

Giới hạn số lượng files

Là số lượng files tối đa bạn được lưu trữ trên host. Các nhà cung cấp rất khôn khéo khi trên trang giới thiệu dịch vụ hosting thường không hề nhắc tới điều này. Họ thường quy định về sự giới hạn này trong điều khoản dịch vụ hoặc chính sách sử dụng.

Ví dụ với JustHost, tôi dùng gói Shared Hosting thì được lưu trữ tối đa 50.000 files. Nếu vượt quá sẽ không được backup hàng tuần nữa nhưng vẫn được lưu trữ thêm cho đến 200.000 files, vượt quá 200k files sẽ bị khóa tài khoản. Với HostGator thì giới hạn là 100.000 files, nếu vượt quá cũng không được backup hàng tuần nữa, khi đạt đến giới hạn 250.000 tập tin là tối đa, vượt quá cũng bị khóa tài khoản.

Rất hiếm nhà cung cấp hosting Việt Nam cung cấp dịch vụ hosting không giới hạn. Tìm nhanh trên Google thấy có hostingviet.com.vn nhưng giá không hề rẻ và cũng bị giới hạn số lượng là 100.000 files.

Hosting không giới hạn mà lại là giới hạn

Azdigi cũng có Unlimited Hosting nhưng cũng giới hạn 150.000 files. So về giá và chất lượng thì ăn đứt Hosting Việt rồi.

Dịch vụ hosting không giới hạn của Azdigi

TinoHost cũng có Unlimited Hosting (79k/tháng) nhưng cũng giới hạn 100.000 files.

Đấy, họ cam kết “không giới hạn dung lượng” nhưng lại “giới hạn số lượng files”. Thế thì có khác gì là vẫn giới hạn dung lượng?

100.000 files có phải là nhiều?

Có thể bạn nghĩ rằng lưu trữ đến 100.000 files là con số rất lớn. Nếu mỗi file nặng 1Gb thì bạn có thể lưu trữ tới 100.000 Gb (gần 98Tb). Đừng ngây thơ như thế! Bạn không lưu được nhiều thế đâu.

Lý do là:

Thứ nhất, nhà cung cấp hosting nào cũng có chính sách về việc lưu trữ dữ liệu, cụ thể thế nào tôi sẽ giải thích chi tiết ở phần dưới.

Thứ hai, bạn nghĩ bộ mã nguồn website có bao nhiêu files? Cũng khá nhiều đấy!

Mặc định Wordpress chỉ nặng khoảng 50Mb với hơn 2100 files. Nhưng sau khi bạn cài theme, thêm các plugins và đăng hình ảnh lên web thì con số đó sẽ gia tăng đáng kể. Bởi vì hình ảnh trong Wordpress sẽ tự động tạo rất nhiều kích cỡ (xem bài hướng dẫn tối ưu ảnh cho wordpress để hiểu rõ hơn). Đặc biệt là plugin cache sẽ sinh ra rất nhiều file.

Số lượng files của một số website Wordpress

Website xuonggoanlac.com đã đăng khoảng 400 sản phẩm (dùng Woocommerce) có hơn 35.000 files.

Website dogothanhtung.vn đã đăng khoảng 350 phẩm đồ gỗ (dùng Woocommerce) có hơn 31.000 files.

Website luật investone-law.com đã đăng khoảng 300 bài viết có hơn 18.000 files.

Vậy 100.000 files của bạn sẽ đăng được bao nhiêu sản phẩm? Chạy được bao nhiều website? Bạn tự tính nhé!

Khi đạt đến giới hạn inodes, bạn sẽ không thể up thêm dữ liệu lên host và website cũng có thể bị lỗi.

Giới hạn số truy vấn đến cơ sở dữ liệu

Các nhà cung cấp hosting cài đặt tham số max_user_connections cấu hình cho MySQL nhằm giới hạn số lượng kết nối đồng thời (tại 1 thời điểm) đến máy chủ cơ sở dữ liệu để tránh máy chủ bị quá tải. Tham số này càng cao thì càng tốt.

Với gói Shared Host ở HostGator, bạn được tối đa 25 kết nối đồng thời. Còn với JustHost thì bạn được tối đa 50 kết nối đồng thời. Nếu vượt quá thì máy chủ sẽ tự động không phản hồi khoảng 30 giây với hosting Windows và 60 giây với hosting Linux (tùy vào từng nhà cung cấp cài đặt).

Tại Việt Nam, iNet công khai con số này trên các gói web hosting là 30. Trên các gói hosting giá rẻ của PA Việt Nam tham số này là 20-30. Hosting không giới hạn của Azdigi giới hạn là 30.

Như vậy, dù băng thông là không giới hạn thì website cũng không thể phục vụ đồng thời quá nhiều người truy cập. Kết quả là bạn vẫn bị một giới hạn nhất định. Hosting không giới hạn nhưng thực chất vẫn bị giới hạn!

Giới hạn số tiến trình được xử lý

Có 2 thông số Entry ProcessesNumber Of Processes bạn cần quan tâm. Entry Processes là số tiến trình có thể xử lý đồng thời trên hosting. Còn Number Of Processes là tổng số tiến trình cho phép chạy trên gói hosting đó.

Nếu số lượng tiến trình vượt quá mức cho phép thì website sẽ xuất hiện lỗi 503 hoặc 500. Không những thế, các tiến trình này sẽ ảnh hưởng đến cả CPU và RAM. Nhiều khi các tiến trình chưa chạm đến giới hạn nhưng đã sử dụng hết CPU hoặc RAM của hosting rồi thì web vẫn bị lỗi bình thường.

Giới hạn tải CPU (Maximum CPU Usage)

Là giới hạn hiệu suất CPU được sử dụng. Khi có quá nhiều tiến trình phải xử lý khiến CPU sử dụng vượt quá giới hạn này thì sẽ xuất hiện thông báo lỗi “508 Resource Limit Is Reached”. Người dùng tạm thời không thể truy cập website cho đến khi số tiến trình cần xử lý giảm xuống và CPU load ở mức cho phép. Ví dụ: với JustHost chỉ là 10% còn HostGator là 25%.

Nhiều nhà cung cấp hosting công khai chỉ số này nhưng một số thì không. Với cPanel bạn có thể xem trong phần CPU and Concurrent Connection Usage (Resource Usage):

Maximum CPU Usage
Maximum CPU Usage

Giới hạn định dạng files

Thực tế thì ngay cả trong chính sách và điều khoản sử dụng của hầu hết các nhà cung cấp host đều không nói chi tiết về điều này, nhưng tôi vẫn mạnh dạn nêu vấn đề này ra để các bạn lưu ý. Đó là: Shared Hosting được cung cấp để chạy website chứ không phải để lưu trữ files. Do đó hosting không giới hạn không có nghĩa là lưu gì cũng được.

Nhiều nhà cung cấp không cho phép bạn up lên file .EXE và cũng không cho lưu trữ quá nhiều file nén (.ZIP, .RAR, .7Z…) hoặc file đa phương tiện (Video, Nhạc, Flash,…) trên hosting nhằm mục đích chia sẻ.

HTML5 Video Player
Bạn không thể làm web phim trên Shared Hosting

Mặc dù không giải thích rõ nhưng người dùng phải ngầm hiểu rằng những files bạn up lên hosting phải có hoạt động, được liên kết trong nội dung website. Họ không cho phép bạn dùng Shared Hosting để lưu trữ dữ liệu lớn. Khi phát hiện ra điều này, họ sẽ yêu cầu bạn chuyển sang lưu trữ ở các nhà cung cấp dịch vụ chuyên về lưu trữ như Dropbox, Mediafire, Google Drive,… sau đó chia sẻ link trên website của bạn.

Điều đó lý giải rằng bạn không được dùng Shared Hosting để làm web chia sẻ files, phát video hoặc web phim, trừ khi video/phim đó được lưu trữ ở bên thứ 3 như Youtube và bạn chỉ nhúng (embed) vào website.

Tóm lại

Bạn sẽ không bao giờ sử dụng được cái gọi là “không giới hạn”. Vì giới hạn số lượng tập tin tức là giới hạn dung lượng lưu trữ; giới hạn số truy vấn đến cơ sở dữ liệu chẳng khác gì giới hạn băng thông,… Thậm chí, rất nhiều nhà cung cấp còn giới hạn cả dung lượng cơ sở dữ liệu (database) nữa chứ.

Haizzz, thật đáng buồn là bạn vẫn phải chấp nhận “luật chơi” mà các nhà cung cấp đặt ra. Cho nên bạn cũng đừng mơ mộng về một dịch vụ hosting không giới hạn giá rẻ nữa. Tiền nào của đó thôi!

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x