Rich Snippets là gì? Tìm hiểu về Rich Snippets

Rich Snippets là một khái niệm tương đối phức tạp với những bạn mới tìm hiểu về SEO nhưng các bạn bắt buộc phải hiểu về nó nếu muốn làm SEO website tốt. Thực ra những khái niệm chuyên ngành rất khó để dịch sang tiếng Việt sát nghĩa cho nên tôi khuyên bạn nên đọc hiểu khái niệm về rich snippets bằng tiếng Anh trước. Sau đó hãy quay lại bài viết này để xem tôi diễn giải khái niệm rich snippets dựa trên quan điểm của mình.

Rich Snippets là gì?

Snippet dịch sang tiếng Việt là mảnh vụn, mảnh nhỏ, một đoạn trích ngắn. Snippets là mẩu thông tin, đoạn trích ngắn. Khi bạn tìm kiếm một từ khóa, máy tìm kiếm sẽ hiển thị ra những trang web có nội dung liên quan nhất với từ khóa đó. Tuy nhiên nội dung của các trang web này không được hiển thị đầy đủ mà chỉ được trích lược một phần nội dung (không quá 160 ký tự) từ thẻ mô tả hoặc nội dung của trang web. Đoạn trích đó được gọi là Snippets.

Còn Rich có nghĩa là giàu có, dồi dào, phong phú,…Tuy nhiên trong văn cảnh mà chúng ta đang nhắc đến thì có thể hiểu Rich là quý giá, quan trọng, đặc biệt.

Như vậy, Rich Snippets có thể được hiểu là những thông tin quan trọng, đặc biệt của trang web nhằm giúp cho trang web đó trở nên quan trọng hơn, đặc biệt hơn khi hiển thị trên công cụ tìm kiếm. Về mặt bản chất, Rich Snippets là những đoạn code đặc biệt bên trong trang web giúp cho các máy tìm kiếm hiểu được nội dung của trang web. Vì thế những website có Rich Snippets sẽ hiển thị nổi bật hơn trên công cụ tìm kiếm và người tìm kiếm dễ bị thu hút, click vào website của bạn (tăng tỷ lệ CTR). Xem ví dụ:

Rich Snippets
Rich Snippets

Nhìn vào ví dụ trên bạn sẽ thấy: mặc dù rõ ràng website dovanphuong.com và website lazada.vn bị xếp hạng thấp hơn trên trang kết quả tìm kiếm nhưng lại nổi bật hơn, thu hút hơn hẳn.

Các loại Rich Snippets

Hiện tại Google hỗ trợ Rich Snippets cho các kiểu dữ liệu sau đây:

  1. Breadcrumbs: Hiển thị link điều hướng giúp người tìm kiếm định vị vị trí của nội dung hiện tại. Hầu hết các website nên sử dụng loại rich snippets này. Xem thêm: Hướng dẫn tạo Breadcrumbs cho WordPress.
  2. Article: Hiển thị các thông tin quan trọng của bài viết như tiêu đề, hình ảnh, ngày đăng,…phù hợp với các trang tin tức, tạp chí, blog.
  3. Review: Hiển thị thông tin xếp hạng đánh giá dưới dạng ngôi sao. Loại rich snippets này phù hợp với bài viết đánh giá, nhận xét, so sánh,… đặc biệt phù hợp với các bạn làm Marketing hoặc Affiliate. Tuy nhiên có nhiều bạn vẫn lạm dụng sử dụng cho tất cả bài viết bình thường vì tâm lý “có hơn không” và trang web sẽ được nổi bật hơn khi tìm kiếm. Cũng đúng! nhưng Google thông minh hơn bạn nghĩ vì thế tốt hơn là không nên lạm dụng.
  4. Video: Hiển thị ảnh đại diện, độ dài của video, tác giả và ngày tải lên video. Loại rich snippets này đặc biệt dành cho các trang web chuyên chia sẻ video.
  5. Product: Bao gồm các thông tin thêm về sản phẩm như giá bán, điểm xếp hạng,..xem ảnh minh họa ở trên với sản phẩm máy ảnh Canon 700D. Loại rich snippets này phù hợp với các bạn kinh doanh trên mạng có website giới thiệu sản phẩm hoặc các website TMĐT.
  6. Recipe: Bao gồm các thông tin quan trọng cho bài viết về chủ đề ẩm thực như hình ảnh món ăn, thời gian hoàn thành, năng lượng, đánh giá,…
  7. Event: Hiển thị thông tin quan trọng của sự kiện như địa điểm tổ chức, thời gian bắt đầu và kết thúc, kịch bản của sự kiện…
  8. SoftwareApplication: Hiển thị các thông tin quan trọng của một phần mềm ứng dụng như biểu tượng, lượt đánh giá, điểm xếp hạng, giá tiền,…
  9. Organization: Hiển thị các thông tin của tổ chức sở hữu website như tên đầy đủ, địa chỉ, điện thoại,email,…phù hợp với các website công ty, trường học, câu lạc bộ, tổ chức phi chính phủ,…

Trước đây, Google cho phép hiển thị cả tác giả bài viết với một ảnh đại diện nhỏ (44px) bên dưới tiêu đề trang web (xem ảnh minh họa ở trên). Nếu trang web của bạn liên kết với Google Plus thì sẽ được link tới trang cá nhân trên Google Plus. Tuy nhiên gần đây chỉ có kết quả tìm kiếm từ Google Plus là có hiển thị tác giả, còn những trang web khác đều không thấy xuất hiện nữa. Có vẻ như Google đang dành sự ưu ái riêng cho đứa con cưng của mình.!

Lợi ích khi sử dụng dữ liệu có cấu trúc

Như tôi đã giới thiệu ở trên, mỗi loại rich snippets có sự khác biệt riêng nhưng đều nhằm một mục đích là làm nổi bật website trên trang kết quả tìm kiếm, cung cấp các thông tin hữu ích cho người tìm kiếm để họ dễ click vào website (tăng tỷ lệ CTR – rất tốt cho SEO).

Nhưng có một sự thật đáng buồn mà Rich Snippets mang lại, đó là rất nhiều người nhận ra lợi ích của Rich Snippets cho nên họ đã sử dụng một cách vô tội vạ. Rất nhiều website đánh lừa người dùng bằng cách tạo ra Rich Snippets giả mạo như hiển thị xếp hạng 5 sao, điểm 10/10 bởi lượng lớn người đánh giá nhưng nội dung vô cùng tẻ nhạt, nghèo nàn. Việc này hoàn toàn đi ngược lại với mong muốn của Google là mang lại những giá trị cho người dùng, vì vậy họ đã tạo ra công cụ Report các website sử dụng Rich Snippets ảo. Nếu bạn không may gặp phải những trang web như thế thì hãy báo cáo website đó tại đây: Report spam in rich snippets.

Lời khuyên dành cho bạn: Tùy vào từng loại nội dung mà hãy sử dụng loại rich snippets phù hợp. Không nên lạm dụng.!

Cách tạo Rich Snippets cho website

Như đã định nghĩa ở trên, Rich Snippets là những đoạn mã đặc biệt trong trang web cho nên để website của bạn hiển thị Rich Snippets trên các công cụ tìm kiếm thì bạn phải thêm các đoạn mã theo chuẩn của từng loại Rich Snippets mà Google hỗ trợ vào trong trang web của bạn. Khi đó, dữ liệu trang web của bạn được coi là có cấu trúc, tức là đã được chuẩn hóa.

Các bộ chuẩn cấu trúc phổ biến là Microdata, JSON-LD và RDFa. Tuy nhiên Google khuyên người dùng nên sử dụng cấu trúc theo kiểu Microdata. Bạn có thể xem định nghĩa bộ chuẩn Microdata trên website schema.org hoặc trên trang trợ giúp của Google.

Nếu các bạn ngại code các thẻ định dạng Rich Snippets thì có nhiều công cụ hỗ trợ bạn tạo Rich Snippets tự động rất nhanh chóng và dễ dàng. Bạn chỉ cần lựa chọn loại Rich Snippets cần tạo rồi khai báo các dữ liệu cần thiết là các công cụ đó sẽ tự động tạo code cho bạn:

Ngoài ra, Google cũng cung cấp công cụ đánh dấu dữ liệu ngay trong Google Webmaster Tools để giúp các nhà quản trị web tự đánh dấu trang web của mình. Công cụ của Google rất trực quan, bạn chỉ cần đánh dấu các đối tượng nội dung trên trang web của bạn cho đúng với từng loại dữ liệu có cấu trúc, Google sẽ ghi nhớ cấu trúc đó trên máy chủ của họ và sẽ hiển thị khi người dùng tìm kiếm. Cách này không cần phải chỉnh sửa code nên sẽ không làm cấu trúc trang web của bạn thay đổi, chính vì thế nó cũng không giúp các máy tìm kiếm cải thiện tốc độ đọc, hiểu website của bạn. Hơn nữa, nếu bạn thay đổi nội dung hoặc cấu trúc của website (trong tương lai) thì Google có thể sẽ nhận diện sai các dữ liệu có cấu trúc đã được đánh dấu trước đó. Vì vậy các bạn vẫn nên can thiệp vào code website hơn là sử dụng công cụ của Google.

Dưới đây là một ví dụ về mẫu Rich Snippets loại Review:

<div itemscope itemtype="http://schema.org/Review">
<meta itemprop="description" content="Nội dung phần mô tả">
<meta itemprop="datePublished" content="2015-12-04">
<link itemprop="url" href="https://dovanphuong.com/seo-la-gi-lam-seo-la-lam-gi.html" rel="author"/>
<a itemprop="url" href="https://dovanphuong.com/seo-la-gi-lam-seo-la-lam-gi.html">
<span itemprop="name" style="display:block;"><strong>Seo là gì</strong></span>
</a>
<span itemprop="reviewBody" style="display:block;">Nội dung phần nhận xét</span>
<span itemprop="author" itemscope itemtype="http://schema.org/Person" style="display:block;">
<span itemprop="name">Phương Đỗ</span>
</span>
<span itemprop="itemReviewed" itemscope itemtype="http://schema.org/Thing" style="display:block;">
<span itemprop="name">Dịch vụ SEO</span>
</span>
<div itemprop="reviewRating" itemscope itemtype="http://schema.org/Rating">
<span itemprop="ratingValue">5</span> / <span itemprop="bestRating">5</span>
</div>

Bạn sẽ nhìn thấy mỗi một đoạn code đều chứa itempropitemscope và itemtype. Hiểu đơn giản:

  • itemprop dùng để định nghĩa thuộc tính cho đối tượng (dữ liệu).
  • itemscope dùng để chỉ định khối dữ liệu được định nghĩa.
  • itemtype dùng để định nghĩa loại dữ liệu có cấu trúc.

Tùy vào mã nguồn website bạn đang sử dụng mà bạn phải chèn code sao cho phù hợp. Nếu bạn dùng Wordpress thì có rất nhiều Plugin hỗ trợ tạo Rich Snippets:

Sau khi tạo Rich Snippets thì bạn hãy sử dụng công cụ Rich Snippets Testing Tool của Google để kiểm tra.

Xin lưu ý rằng:

  1. Cần phải mất một khoảng thời gian nhất định để Google cập nhật và hiển thị Rich Snippets cho website của bạn.
  2. Không phải trang web nào cũng được hiển thị Rich Snippets trên công cụ tìm kiếm. Bên cạnh yêu cầu về mặt kỹ thuật thì Google cũng đòi hỏi những trang web có chất lượng, hữu ích với người dùng. Vì thế đừng tập trung quá nhiều vào code mà hãy đầu tư mang lại giá trị cho người dùng.!
Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x