Những bạn chưa biết SEO là gì sẽ thắc mắc không hiểu SEO mang lại lợi ích gì mà sao hiện nay có nhiều người làm seo website như vậy? Tại sao thời gian gần đây nghề SEO lại trở nên hot như thế?
Thực tế là các bạn có thể tìm thấy rất nhiều đáp án từ Google nhưng phần lớn là câu trả lời đến từ website của các trung tâm đào tạo seo, không thì là của công ty hoặc những cá nhân cung cấp dịch vụ seo nên có thể hơi khó hiểu với các bạn mới. Trong bài viết này tôi sẽ cố gắng diễn đạt một cách đơn giản nhất để các bạn dễ dàng hiểu được seo là gì và seo giúp được gì cho công việc của các bạn.
Nội dung chính:
SEO là gì?
SEO là từ viết tắt của Search Engine Optimization, dịch tiếng Việt là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. SEO được hiểu là các phương pháp tối ưu cho website để người dùng có thể dễ dàng tìm thấy website của bạn trên công cụ tìm kiếm.
Để hiểu rõ về bản chất của SEO, trước tiên bạn phải hiểu cách hoạt động của các máy tìm kiếm. Trong đó, Google là công cụ tìm kiếm có lượng người dùng nhiều nhất thế giới, ngoài Google còn có nhiều máy tìm kiếm khác như Bing (của Microsoft), Yahoo, Baidu (của Trung Quốc), Yandex (của Nga),…
Tuy nhiên ở Việt Nam phần lớn mọi người sử dụng Google để tìm kiếm (trên 90%) nên người ta nhắc tới máy tìm kiếm là nói đến Google. Nhiều người có thói quen sử dụng cái tên Google thay cho tất cả máy tìm kiếm nói chung. Vì vậy, sau đây tôi sẽ sử dụng Google làm tên gọi chung đại diện cho các công cụ tìm kiếm.
Hoạt động của máy tìm kiếm
Như các bạn cũng biết, trên thế giới có hàng tỷ website khác nhau và mỗi ngày có hàng vạn, hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ nội dung mới được xuất bản. Công cụ tìm kiếm được sinh ra chỉ để thực hiện 1 nhiệm vụ duy nhất là giúp con người dễ dàng tra cứu thông tin từ cái thư viện khổng lồ đó.
Các máy tìm kiếm (Google) sẽ thu thập dữ liệu của tất cả các trang web mà nó biết và lưu trữ trên hệ thống máy chủ. Khi người dùng tìm kiếm một từ khóa cụ thể nào đó thì Google sẽ tra cứu nội dung của tất cả các trang web đã lưu trữ, sắp xếp và hiển thị ra những trang web có nội dung liên quan nhất với từ khóa đó. Từ đó, người tìm kiếm có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin mà họ cần.
Về cơ bản thì máy tìm kiếm hoạt động cũng giống như bộ não của một con người:
1. Quá trình thu thập dữ liệu
Google lập trình ra một phần mềm tự động thu thập dữ liệu của các trang web gọi là Googlebot (bọ tìm kiếm). Nhiệm vụ của nó là truy cập vào các trang web để phân tích và lấy dữ liệu về lưu trữ trên máy chủ của Google.
Quá trình này chẳng khác gì so với việc bạn đọc thuộc lòng 1 trang sách, 1 bài báo, 1 lá thư,… rồi ghi nhớ nó trong đầu. Tuy nhiên máy tính có sức mạnh khủng khiếp hơn rất nhiều não người vì nó sẽ không bao giờ quên được những gì đã ghi nhớ và có khả năng ghi nhớ không giới hạn. Con người làm sao có khả năng đọc và ghi nhớ hàng tỷ trang web?
2. Quá trình phân tích, so sánh
Google sử dụng những thuật toán phức tạp để phân tích và chấm điểm cho tất cả các trang web. Có thể nói Google hiểu rõ tất cả các trang web mà nó đã lưu trữ.
3. Quá trình sắp xếp, hiển thị
Khi người dùng tra cứu một từ khóa bất kỳ trên Google, nó sẽ phân tích từ khóa đó để xác định mong muốn của người tìm kiếm. Sau đó nó tiếp tục tra cứu trong bộ nhớ siêu việt của mình để lấy ra (hiển thị) những kết quả tốt nhất, phù hợp nhất.
Việc sắp xếp các kết quả tìm kiếm như thế nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà mỗi máy tìm kiếm lại có những tiêu chí khác nhau. Vì vậy mà với cùng 1 từ khóa tìm kiếm thì kết quả của Google với Bing hay các công cụ tìm kiếm khác có thể không giống nhau. Dưới đây là ví dụ:
Trong ví dụ minh họa trên, bạn sẽ nhìn thấy kết quả đầu tiên trên Google là website của tôi. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao website của tôi lại được xếp hạng trên các website khác?
Câu trả lời rất đơn giản: Vì Google thấy website của tôi là “tốt nhất”, là “phù hợp nhất”, là “thân thiện nhất” so với tất cả các website khác (với từ khóa “nguyễn trãi toàn tập“). Do đó Google xếp hạng trang web của tôi ở vị trí đầu tiên (hay còn gọi là TOP 1). Như vậy, tôi đã seo từ khóa “nguyễn trãi toàn tập” lên top 1 Google.
Khái niệm trang web “thân thiện” với Google
Nếu bạn tìm kiếm một từ khóa khác (ví dụ từ “nguyễn trãi là ai”) thì sẽ không thấy website của tôi đứng đầu trang kết quả tìm kiếm nữa, thay vào đó là trang Wikipedia.
Như vậy, khái niệm “tốt nhất”, “phù hợp nhất”, hay “thân thiện nhất” với Google chỉ có tính chất tương đối và ứng với mỗi từ khóa cụ thể. Một trang web có thể được xếp hạng cao khi tìm kiếm từ khóa A và xếp hạng thấp hơn với từ khóa B, C, D,… Vậy thì rốt cuộc một website như thế nào sẽ được coi là thân thiện với Google?
Google sử dụng thuật toán thông minh của riêng họ để phân tích và đánh giá một trang web dựa trên rất nhiều tiêu chí khác nhau. Cơ bản những tiêu chí này chỉ xoay quanh 4 yếu tố chính:
1. Cấu trúc của trang web
Một trang web được thiết kế đẹp, có cấu trúc rõ ràng giúp cho Google dễ dàng hiểu được cách tổ chức, sắp xếp thông tin trên website. Ai mà chẳng yêu thích sự gọn gàng đúng không?
2. Nội dung của trang web
Bao gồm text, hình ảnh, video,… của trang web. Nội dung không chỉ là phần quan trọng nhất của một website, mà cũng là phần quan trọng nhất trong SEO.
Một website được xem là tốt chỉ khi nội dung của website đó hữu ích. Khái niệm hữu ích ở đây cũng mang tính tương đối, hữu ích với người xem chưa chắc đã hữu ích với Google bởi vì dù sao Google cũng chỉ là một cỗ máy, dù rất thông minh nhưng cũng không thể giống như con người được. Do đó, chúng ta sẽ làm rõ khái niệm “nội dung hữu ích” ở một bài viết khác.
3. Các liên kết (links)
Google quan tâm đến số lượng và chất lượng của các liên kết từ trang web khác đến website của bạn, từ web của bạn đến các web khác, và cả những liên kết nội bộ trong website của bạn.
4. Người xem website
Số lượng và hành vi của người xem website cũng đặc biệt quan trọng. Bao nhiêu người vào website, thời gian và số trang xem trung bình của 1 người trên website, tỷ lệ thoát của trang web… tất cả đều phản ánh “chất lượng của website”.
Google sẽ chấm điểm cho trang web của bạn dựa vào những tiêu chí đó, trang web nào có số điểm cao nhất sẽ đứng đầu (TOP 1), trang web có số điểm cao thứ 2 sẽ đứng ở vị trí số 2 (TOP 2),… điểm càng cao thì càng được xếp hạng cao, điểm thấp thì xếp hạng thấp.
Cần nhấn mạnh rằng “số điểm” ở đây là tương ứng với “mỗi từ khóa” được tìm kiếm và do Google chấm điểm. Do đó khái niệm “thân thiện” với Google ở đây được hiểu đơn giản là:
- Nội dung phải hữu ích với người xem và với Google.
- Liên kết càng nhiều, càng chất lượng thì càng tốt.
Nói thì đơn giản như thế nhưng làm mới khó. Vì thế mới sinh ra một nghề gọi là nghề SEO và người làm SEO được gọi là SEOer (khác với CEO và SALE nhé!)
Công việc của người làm SEO (SEOer)
Tất cả những công việc mà người làm SEO phải thực hiện cũng chỉ xoay quanh 2 vấn đề là nội dung và liên kết để cho trang web trở nên “thân thiện” với Google và được xếp hạng cao khi người dùng tìm kiếm, được chia thành 2 loại:
- Công việc bên trong trang web: thuật ngữ gọi là seo onpage, bao gồm việc cải thiện trải nghiệm người dùng, tăng tốc độ của website, tối ưu cấu trúc URL của trang web, nội dung, hình ảnh, các thẻ tiêu đề, meta description,…
- Công việc bên ngoài trang web: thuật ngữ gọi là seo offpage, bao gồm việc xây dựng liên kết từ các trang web khác (backlinks), tìm cách làm tăng số lượng người vào trang web (tăng traffic),…
Như vậy, nghề SEO đòi hỏi bản thân người làm SEO cần phải có những kiến thức nhất định. Hơn nữa, trước khi tiến hành tối ưu SEO thì người làm SEO cũng phải làm một công tác rất quan trọng gọi là nghiên cứu từ khóa. Google cung cấp một công cụ miễn phí có tên Keyword Planner giúp bạn tìm kiếm ý tưởng từ khóa, phân tích từ khóa,… biết được lượng tìm kiếm từng từ khóa cụ thể trong từng tháng, ứng với từng vị trí địa lý,…từ đó lựa chọn ra những từ khóa thích hợp để làm SEO.
Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng Google Keyword Planner.
Tại sao phải làm seo website?
Các tiền bối trong lĩnh vực Marketing Online đã đúc kết một câu nói rất hay: “nếu khách hàng không tìm thấy bạn thì họ sẽ tìm thấy đối thủ của bạn”. Quả đúng như vậy! Như tôi đã nói ở trên, Google có thuật toán thông minh để phân tích, đánh giá và xếp hạng các website, do đó Google không chỉ “hiểu rõ” trang web của bạn mà còn thấu hiểu tất cả những trang web khác, trong đó có những đối thủ của bạn.
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển và phổ cập như hiện nay, việc sở hữu một website không hề khó nhưng làm sao sử dụng website đó để tạo ra giá trị là một bài toán không phải ai cũng giải được.
Nếu người tìm kiếm đang tìm một sản phẩm dịch vụ mà bạn cung cấp nhưng lại không tìm thấy trang web của bạn đâu cả, thay vào đó là các trang web của đối thủ thì họ có thể sẽ thực sự trở thành khách hàng của người khác. Bạn mất khách hàng vào tay đối thủ! Đây rõ ràng là một điều đại kỵ trong kinh doanh!
Cho dù bạn không kinh doanh trực tiếp trên Internet thì việc ai đó tìm thấy website của bạn cũng chứng tỏ bạn có thương hiệu tốt, họ vào trang web của bạn, biết đến thương hiệu của bạn. Google ghi nhận điều đó nên trang web của bạn sẽ có lợi thế về sau (lịch sử duyệt web của khách hàng cũng là yếu tố tác động đến xếp hạng của trang web).
Có phải website nào cũng cần phải seo?
Mục đích làm SEO là để cho người tìm kiếm dễ dàng tìm thấy website của chúng ta, vào website và xem những thông tin chúng ta cung cấp. Như vậy, SEO là một cách Marketing – cụ thể là Marketing trên công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, tùy vào mục đích sử dụng website mà chủ sở hữu website quyết định có nên làm SEO hay không.
Có nhiều người làm website chỉ để in lên card visit cho đẹp, hoặc phục vụ cho một cá nhân, một nhóm nội bộ,… nói chung là không sử dụng website vào mục đích quảng bá trên công cụ tìm kiếm thì họ không cần phải làm SEO.
Ví dụ tiêu biểu cho nhóm không làm SEO website là các công ty xây dựng. Họ xây dựng website chỉ để giới thiệu năng lực công ty, các dự án đã làm, đang làm,…và họ tìm kiếm khách hàng, dự án chủ yếu dựa trên các mối quan hệ cho nên họ làm website gần như chỉ để cho “có”…
Hoặc các cá nhân làm những công việc chuyên biệt như các họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế thời trang, nhiếp ảnh gia,…họ làm website chỉ để giới thiệu về bản thân họ, trưng bày những “tác phẩm” mà họ sáng tạo ra,…
Những lợi ích của SEO
Phần lớn người ta sử dụng website vào mục đích kinh doanh online nhằm quảng bá sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu,… cho nên SEO có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt với các công ty vừa và nhỏ.
Tổng kết lại, SEO mang lại nhiều lợi ích vô cùng to lớn:
- Tăng số lượng người truy cập vào website (tăng traffic).
- Tăng giá trị của website, tên miền.
- Giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức,…
- Giới thiệu sản phẩm, dịch vụ,… đến với khách hàng tiềm năng.
- Tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
- Không chỉ tiết kiệm chi phí hơn so với nhiều hình thức Marketing khác mà còn mang lại giá trị lâu dài, bền vững.
Ngoài ra, SEO cũng rất dễ đo lường, đánh giá hiệu quả nhờ công cụ phân tích web miễn phí của Google có tên Google Analytics và một công cụ khác được thiết kế riêng cho người quản trị website có tên Google Webmaster Tool. Bởi vậy, không chỉ người làm SEO mà cả người thuê dịch vụ SEO cũng dễ dàng theo dõi hiệu quả mà không cần kiến thức chuyên môn quá sâu.