Hosting là gì? 8 loại dịch vụ hosting phổ biến hiện nay

Cùng với tên miền, hosting là một dịch vụ trực tuyến rất phổ biến hiện nay nhưng không phải ai cũng hiểu hoặc bỏ thời gian ra để tìm hiểu xem hosting là gì. Rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp sử dụng website để kinh doanh nhưng không nhận thức được tầm quan trọng của tên miền và hosting nên họ đã giao toàn bộ “tài sản vô giá” này cho nhân viên mà không hề lường trước được những rủi ro… Rủi ro thế nào thì bạn hãy đọc hết bài viết này sẽ rõ.

Hosting là gì?

Hosting (còn gọi là Web Hosting) là một dịch vụ lưu trữ trực tuyến giúp cho các trang web có thể hoạt động liên tục trong môi trường internet. Mọi dữ liệu của website đều được lưu trữ và xử lý trên hosting (máy chủ web). Do đó, tùy vào ngôn ngữ lập trình web mà hosting cũng phải được thiết kế riêng để hiểu được ngôn ngữ lập trình đó.

Nhà cung cấp là doanh nghiệp (hoặc cá nhân) cho thuê dịch vụ hosting. Họ sở hữu các máy chủ vật lý hoạt động trong một trung tâm dữ liệu có đường truyền internet tốc độ cao. Các máy chủ này sẽ được cài đặt các phần mềm chuyên dụng tùy vào mục đích kinh doanh của nhà cung cấp.

Web hosting hoạt động như thế nào?

Như đã nói ở trên, máy chủ web được cài đặt phần mềm chuyên dụng để tạo ra môi trường phù hợp với các ngôn ngữ lập trình. Nó có thể đọc hiểu và biên dịch các ngôn ngữ lập trình sang ngôn ngữ siêu văn bản HTML.

Tất cả trình duyệt web đều có khả năng đọc hiểu ngôn ngữ HTML nên sẽ hiển thị ra một trang web theo đúng cấu trúc dữ liệu mà nó nhận được từ web hosting.

Quá trình website được tải và hiển thị
Quá trình website được tải và hiển thị

Như vậy, bên cạnh mục đích lưu trữ dữ liệu thì hosting còn đóng vai trò quan trọng là biên dịch ngôn ngữ lập trình web để giúp các trình duyệt hiểu được cấu trúc và nội dung của một trang web.

8 dịch vụ hosting phổ biến hiện nay

1. Dedicated Server (máy chủ chuyên dụng)

Đây là một dịch vụ máy chủ riêng biệt chạy trên nền tảng một máy chủ vật lý. Nó được đặt tại trung tâm dữ liệu (ví dụ Viettel, FPT, VNPT,…) có hệ thống nguồn điện ổn định và đường truyền internet tốc độ cao nhằm đảm bảo khả năng hoạt động liên tục 24/24 với sự ổn định và bảo mật.

Bạn có thể hiểu đơn giản rằng, khi thuê dịch vụ máy chủ chuyên dụng (dedicated server hosting) bạn sẽ được độc chiếm toàn bộ tài nguyên của máy chủ cho mục đích sử dụng của riêng mình. Nó giống như một chiếc laptop cá nhân của bạn vậy, nhưng khác biệt ở chỗ nó luôn luôn được bật, bạn có thể sử dụng nó bất cứ lúc nào.

Dịch vụ lưu trữ này là khách hàng sẽ thuê riêng 1 máy chủ vật lý của nhà cung cấp chứ không dùng chung với người khác. Có nghĩa là, bạn hoàn toàn sử dụng máy chủ đó mà không phải chia sẻ tài nguyên với bất cứ ai.

Về mặt tính năng, nó chẳng khác gì với máy chủ ảo vì bạn cũng sẽ có tài khoản root và toàn quyền kiểm soát máy chủ.

Về mặt chi phí, sử dụng máy chủ riêng đương nhiên đắt hơn hẳn so với máy chủ ảo nên nó chỉ phù hợp với nhu cầu lưu trữ lớn hoặc cần hiệu năng sử dụng lớn.

1. Shared Hosting

Đây là dịch vụ hosting phổ biến và tiết kiệm nhất hiện nay. Shared Hosting được hiểu là dịch vụ lưu trữ dùng chung. “Dùng chung” ở đây tức là chung 1 máy chủ web. Mỗi tài khoản người dùng sẽ bị giới hạn về số lượng website, dung lượng lưu trữ, băng thông sử dụng,… nhưng tất cả sẽ được sử dụng chung tài nguyên của máy chủ.

Tùy vào nhà cung cấp mà có thể họ sẽ chia sẻ 1 máy chủ vật lý cho hàng trăm khách hàng cùng sử dụng. Họ cài đặt phần mềm quản lý máy chủ như DirectAdmin hoặc Cpanel cho loại dịch vụ Shared Hosting để khách hàng dễ dàng sử dụng.

So sánh cPanel Directadmin Plesk
cPanel là phần mềm quản lý hosting phổ biến nhất hiện nay

2. Cloud Hosting

Là dịch vụ lưu trữ trên nền tảng công nghệ điện thoại đám mây. Tức là thay vì hoạt động trên 1 máy chủ vật lý độc lập thì công nghệ đám mây cho phép nhiều máy chủ liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống khép kín hỗ trợ cân bằng tải cho nhau.

Cloud Hosting đem lại lợi thế vượt trội so với dịch vụ hosting truyền thống bởi dữ liệu được lưu trữ trên đám mây thay vì lưu trữ cố định ở 1 máy chủ vật lý như trước. Cho nên nếu một máy chủ bị quá tải hoặc xảy ra sự cố thì các máy chủ khác sẽ thay thế nó để đảm bảo dịch vụ không bị gián đoạn. Đó là lý do Cloud Hosting đang dần thay thế dịch vụ hosting truyền thống.

3. VPS (máy chủ ảo)

VPS (Virtual Private Server) là dịch vụ lưu trữ cao cấp hơn so với Shared Hosting không chỉ bởi các tài nguyên được chia sẻ lớn hơn mà nó cũng yêu cầu người sử dụng có trình độ kỹ thuật cao hơn.

Các nhà cung cấp sử dụng công nghệ ảo hóa để tạo ra nhiều máy chủ ảo từ 1 máy chủ vật lý. Mỗi máy chủ ảo sẽ được chia sẻ 1 phần CPU, RAM, dung lượng, địa chỉ IP,… từ máy chủ vật lý. Người dùng có tài khoản root và toàn quyền cài đặt hệ điều hành cũng như các ứng dụng trên máy chủ ảo.

Công nghệ ảo hóa
Công nghệ ảo hóa cho phép tạo nhiều máy chủ ảo từ một máy chủ vật lý

Xét về mặt tính năng thì máy chủ ảo không khác gì máy chủ vật lý. Điểm khác nhau duy nhất là máy chủ ảo sẽ chỉ sử dụng được 1 phần tài nguyên của máy chủ vật lý.

Hiện nay kiến thức sử dụng VPS được chia sẻ khá nhiều trên internet nên để làm chủ một VPS không hề khó. Đó là lý do ngày càng nhiều người từ bỏ shared hosting để chuyển sang dùng VPS.

4. Cloud VPS (máy chủ ảo đám mây)

Giống như Cloud Hosting, Cloud VPS cũng hoạt động trên công nghệ điện toán đám mây với những ưu điểm tương tự. Nó ổn định, bảo mật và an toàn hơn nhiều so với VPS truyền thống nên đang dần thay thế dịch vụ VPS truyền thống.

6. Collocated Server (Thuê chỗ đặt máy chủ)

Dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, các nhà cung cấp cũng tạo ra dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ nếu khách hàng muốn tự trang bị máy chủ vật lý của riêng mình. Khi đó, nhà cung cấp chỉ đảm bảo cung cấp môi trường để máy chủ hoạt động ổn định (như nguồn điện, đường truyền mạng,…) còn khách hàng phải tự vận hành và chịu hoàn toàn trách nhiệm về dữ liệu trên máy chủ.

Trung tâm dữ liệu Viettel
Viettel hiện đang sở hữu trung tâm dữ liệu lớn nhất Đông Nam Á

Hiện nay chỉ có một số đơn vị lớn như Viettel, CMC, VNPT, FPT,… mới có đủ hạ tầng để cung cấp loại dịch vụ này. Các công ty nhỏ không có trung tâm dữ liệu riêng thì không thể cung cấp dịch vụ này được. Nếu có thì cũng chỉ là đại lý, thuê lại hạ tầng của mấy ông lớn trên mà thôi.

7. Reseller Web Hosting (Đại lý)

Nhằm thúc đẩy hiệu quả kinh doanh, nhiều nhà cung cấp tạo ra dịch vụ Reseller Hosting dành cho đại lý của họ. Tài khoản đại lý có thể tạo ra các gói Shared Hosting, Cloud Hosting, VPS Hosting,… để bán lại cho người khác.

Dịch vụ này đặc biệt phù hợp với các bạn thiết kế web vì có thể tạo tài khoản hosting riêng cho từng khách hàng. Khách hàng có tài khoản riêng để truy cập host trong khi chúng ta vẫn có quyền quản lý gói host của khách hàng.

8. Managed Hosting / VPS / Server

Một loại hình dịch vụ dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng. Thay vì phải tự quản lý hoặc thuê người khác quản lý, bạn thuê luôn nhà cung cấp dịch vụ quản lý và vận hành hosting/vps/server giúp bạn. Dịch vụ này mang lại nhiều lợi ích:

  1. Bạn không cần phải mất thời gian tìm hiểu cách quản trị.
  2. Nhà cung cấp đảm bảo hosting của bạn vận hành ổn định.
  3. Khi xảy ra sự cố nhà cung cấp sẽ xử lý giúp bạn.

Tất nhiên, sử dụng dịch vụ này chi phí bạn phải trả sẽ cao hơn mức bình thường.

Bạn nên dùng loại hosting nào?

Server riêng thì khỏi nói rồi, quá mạnh nhưng đắt đỏ. Trừ khi website có lượng truy cập rất lớn hoặc nhu cầu lưu trữ nhiều thì bạn mới cần đến server riêng. Còn nhu cầu cơ bản thì Shared Hosting hoặc VPS là hợp lý. Nên mua loại Cloud (đám mây) nhé!

Nếu bạn không am hiểu về lĩnh vực này, cũng không có thời gian để tìm hiểu thì nên dùng Shared Hosting cho lành. Lý do vì nhà cung cấp hosting nào cũng cài sẵn phần mềm quản lý cPanel hoặc DirectAdmin rất dễ sử dụng. Hơn nữa, họ cũng phải tối ưu và kiểm soát vấn đề bảo mật cho cả hệ thống nên việc của bạn chỉ đơn giản là sử dụng thôi, mọi việc khác nhà cung cấp phải lo.

Đối với VPS thì bạn phải tự cài hết từ A-Z, tự tối ưu, backup,… nên đòi hỏi kiến thức nhiều hơn. Chẳng may phát sinh lỗi mà không biết xử lý thì khá là mệt mỏi. Quan trọng hơn là khi xảy ra sự cố thì nhà cũng cấp sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm gì với VPS của bạn. Cùng lắm họ chỉ hỗ trợ khôi phục dữ liệu về bản sao gần nhất mà thôi.

So sánh shared hosting với vps
Không am hiểu tốt nhất nên dùng Shared Hosting

Nhiều bạn cho rằng VPS khỏe hơn Shared Hosting mà chi phí hiện nay thì tương đương nhau, dùng VPS ngon hơn. Đây là quan điểm rất sai lầm. VPS mà bạn không biết tối ưu thì tốc độ còn thua rùa bò. Cho nên tôi khuyên các bạn chân thành: Am hiểu thì dùng VPS, không am hiểu tốt nhất cứ Shared Hosting cho lành.

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x