Thẻ Meta Description là thẻ mô tả tóm tắt nội dung của cho trang web. Cùng với Title, thẻ meta description giúp Google và các máy tìm kiếm khác hiểu được chủ đề, nội dung bên trong của trang web.
Thẻ meta description nằm trong phần đầu của trang web (bên trong thẻ <head>) nên người xem trang web không thể nhìn thấy. Các máy tìm kiếm có thể đọc được thẻ này và lấy ra phần nội dung mô tả để hiển thị trên công cụ tìm kiếm.
Cấu trúc của thẻ meta description:
<meta name="description" content="Nội dung mô tả"/>
Trong các kết quả tìm kiếm, thẻ mô tả được hiển thị phía dưới URL của trang web:
Bình thường nếu bạn không khai báo thẻ Meta Description cho trang web thì các máy tìm kiếm sẽ tự động hiển thị phần nội dung đầu tiên (khoảng 160 ký tự) của trang web thay cho thẻ mô tả. Còn nếu bạn khai báo thẻ meta description cho trang web thì công cụ tìm kiếm sẽ hiển thị chính xác phần nội dung mô tả mà bạn khai báo. Tuy nhiên, có một số trường hợp mà Google không hiển thị đúng thẻ mô tả. Đó là khi Google cảm thấy thẻ mô tả của trang web không liên quan hoặc không phù hợp với nội dung bên trong trang, Google sẽ tự động lấy ra nội dung phù hợp cho phần mô tả để hiện thị trên kết quả tìm kiếm.
Khi người tìm kiếm từ khóa bất kỳ thì công cụ tìm kiếm sẽ lấy ra nội dung phù hợp nhất với từ khóa đó để hiển thị trên kết quả tìm kiếm (xem thêm: Hoạt động của máy tìm kiếm) cho nên nếu thẻ mô tả có chứa từ khóa tìm kiếm thì cũng là một điểm cộng cho trang web của bạn. Mặt khác, nội dung trong thẻ mô tả cũng đập vào mắt người tìm kiếm nên có tác động đáng kể đến quyết định truy cập vào website của họ. Vì vậy, thẻ mô tả không chỉ phải chuẩn SEO mà cũng phải thật hấp dẫn để thu hút người dùng.
Nội dung chính:
TỐI ƯU THẺ META DESCRIPTION
Thẻ meta description phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của Google:
1. Không nên trùng lặp: Cũng giống như title, thẻ mô tả giữa các trang khác nhau không nên giống nhau. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thứ hạng của trang web.
2. Không nên quá ngắn nhưng cũng không quá dài: Nội dung mô tả quá ngắn có thể làm người đọc không hiểu được thông điệp muốn truyền tải, còn nếu quá dài (hơn 170 ký tự) thì các máy tìm kiếm sẽ tự động ẩn đi và thay bằng dấu ba chấm (…). Như vậy bạn nên tối ưu thẻ mô tả ở mức khoảng 160 ký tự là tốt nhất.
3. Có chứa từ khóa làm SEO: Trong các kết quả tìm kiếm, bạn sẽ thấy từ khóa được tô đậm (xem ảnh minh họa ở trên) cho nên nếu phần mô tả chứa từ khóa sẽ là điểm cộng cho trang web. Và cũng giống như Title, từ khóa càng nằm gần bên trái của thẻ mô tả càng tốt. Tuy nhiên, bạn không nên nhồi nhét quá nhiều từ khóa khiến Google coi là SPAM sẽ không tốt cho SEO.
4. Liên quan đến nội dung trong trang web: Điều này là hiển nhiên.! Nếu nội dung mô tả khác hoàn toàn hoặc không mấy liên quan đến nội dung bên trong trang web thì khác gì “treo đầu dê bán thịt chó”. Không chỉ Google mà người dùng cũng rất ghét thể loại này.!
Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, nội dung phần mô tả nên được trích dẫn từ nội dung bên trong trang web thì gần như chắc chắn Google sẽ hiển thị đúng mô tả cho bạn. Nếu bạn viết mô tả khác đi (không giống với nội dung bài viết) thì tùy vào các từ khóa bạn sử dụng mà có thể Google sẽ hiển thị đúng hoặc không đúng thẻ mô tả của bạn.
5. Không nên viết hoa quá nhiều: Đừng cố gắng làm nổi bật phần mô tả của mình bằng cách viết hoa tất cả hoặc mật độ từ khóa viết hoa quá nhiều vì như vậy không chỉ gây khó đọc cho người tìm kiếm mà còn khiến các từ khóa quan trọng trong phần mô tả của bạn trở nên “tầm thường”. Hãy nhớ rằng mục đích của việc trình bày văn bản có chữ viết hoa, viết thường, tô đậm, in nghiêng,…là để làm nổi bật những nội dung quan trọng. Nếu bạn tô đậm hoặc viết hoa tất cả thì tự nhiên tất cả trở thành bình đẳng như nhau, những từ khóa quan trọng không còn nổi bật, quan trọng nữa.
6. Hạn chế dùng ký tự đặc biệt: Kinh nghiệm của tôi là viết mô tả liền mạch, hạn chế sử dụng quá nhiều các dấu phẩy (,) dấu chấm (.) hoặc dấu gạch ngang (-)…để tránh làm ngắt quãng văn bản làm giảm ý nghĩa của đoạn văn, và cũng là để tránh Google hiểu nhầm tôi đang cố tình nhồi nhét các từ khóa giữa các ký tự đặc biệt đó.
CÁCH VIẾT MÔ TẢ HẤP DẪN
Để viết được phần mô tả tốt thì trước tiên bạn phải hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ, cũng như toàn bộ nội dung, hình ảnh, thông điệp mà trang web đang truyền tải đến người đọc. Một mô tả được coi là hấp dẫn thì đương nhiên bản thân nó phải có ý nghĩa và mang một thông điệp nào đó, tốt nhất là có giá trị kích thích hành động của người tìm kiếm. Ý tôi muốn diễn đạt ở đây là:
1. THẺ MÔ TẢ NÊN LÀM RÕ CHO TITLE
Title bị giới hạn trong 60 ký tự cho nên sẽ rất khó để giúp người tìm kiếm hiểu được nội dung của cả trang web, nhưng phần mô tả sẽ làm được điều này. Với 160 ký tự bạn hoàn toàn có thể nói cho người dùng hiểu được ý nghĩa, nội dung của cả trang web. Phần mô tả nên nối tiếp thông điệp mà Title đang hướng đến hoặc giải thích rõ hơn, đầy đủ hơn về thông điệp của title. Tôi lấy ví dụ như sau:
Title là: Hành Trình Tâm Linh – Chuyên trang về thế giới tâm linh
Description là: Giúp bạn lý giải các hiện tượng tâm linh, khám phá thế giới tâm linh, phổ biến và tôn vinh nét đẹp văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam.
2. NHẮM ĐÚNG MỤC ĐÍCH TÌM KIẾM
Khi chúng ta hiểu được mục đích của người tìm kiếm thì chúng ta sẽ tối ưu được cả title cũng như description tốt nhất, cho nên với mỗi từ khóa khi nghiên cứu các bạn cần làm rõ mục đích tìm kiếm của người dùng – tại sao họ lại tìm kiếm từ khóa đó?
Lấy ví dụ với từ khóa “tư vấn pháp luật” chẳng hạn, rõ ràng người tìm kiếm đang cần được tư vấn về pháp luật, họ đang cần tìm một công ty luật, một luật sư giỏi để giúp họ giải quyết vấn đề liên quan đến pháp luật. Vậy thì chúng ta nên tối ưu thẻ description có chứa từ khóa “tư vấn pháp luật” hoặc “tư vấn pháp luật trực tuyến” hoặc “tư vấn pháp luật miễn phí”… Và đây là một ví dụ: Chúng tôi hỗ trợ tư vấn pháp luật miễn phí về các vấn đề dân sự, hình sự, gia đình, doanh nghiệp, đất đai, tài sản…
Tóm lại, không phải lúc nào bạn cũng cần tối ưu thẻ meta description theo những nguyên tắc cứng nhắc trên. Hãy sử dụng vốn kiến thức và kinh nghiệm của riêng mình để viết thẻ mô tả một cách linh hoạt, đúng với mục đích mà bạn muốn truyền đạt nhất. Đừng tham lam nhồi nhét quá nhiều từ khóa làm mất giá trị của thông điệp chính (từ khóa chính) cần truyền tải. Để làm rõ hơn phần kết luận này, tôi xin minh họa bằng một ví dụ sau đây:
Tôi có chơi thân với một chị luật sư là giám đốc công ty luật Việt Tín (website là viettinlaw.com). Trong lĩnh vực dịch vụ luật thì có vô vàn từ khóa liên quan với lượt tìm kiếm rất nhiều nên không thể tối ưu SEO cho trang chủ với tất cả những từ khóa đó được. Ở đây tôi chỉ liệt kê tạm một vài từ khóa:
STT | TỪ KHÓA | SEARCH/THÁNG |
1 | luật doanh nghiệp | 9900 |
2 | tư vấn pháp luật | 4400 |
3 | tư vấn luật | 3600 |
4 | công ty luật | 1900 |
5 | tư vấn luật miễn phí | 1900 |
6 | tư vấn doanh nghiệp | 1900 |
7 | hoi dap phap luat | 1300 |
8 | văn phòng luật sư | 1000 |
9 | tư vấn pháp luật miễn phí | 880 |
10 | hỏi đáp pháp luật | 720 |
11 | tư vấn luật đất đai | 590 |
12 | luật sư tư vấn | 590 |
13 | tư vấn luật doanh nghiệp | 480 |
14 | luật sư tư vấn miễn phí | 390 |
15 | luật sư giỏi | 390 |
16 | tư vấn luật online | 320 |
17 | tư vấn pháp luật online | 260 |
18 | tư vấn pháp luật trực tuyến | 210 |
Vậy thì rõ ràng chúng ta chỉ có thể chọn ra một số từ khóa TỐI ƯU NHẤT để làm SEO cho trang chủ. Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sản phẩm, dịch vụ mà công ty có thể cung cấp và đối tượng khách hàng mục tiêu của công ty là cá nhân hay doanh nghiệp?…Thông thường chúng ta ưu tiên các từ khóa có lượt tìm kiếm nhiều, thể hiện rõ mục đích của người tìm kiếm (những người tìm kiếm các từ khóa này rất dễ trở thành khách hàng) – Với danh sách từ khóa ở trên, chúng ta có thể nhận thấy nhiều từ khóa tương đồng và có thể chia thành các nhóm:
- Nhóm 1: luật doanh nghiệp, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn luật doanh nghiệp.
- Nhóm 2: tư vấn pháp luật, tư vấn luật, tư vấn luật miễn phí, tư vấn pháp luật miễn phí, tư vấn luật đất đai, tư vấn luật doanh nghiệp, tư vấn luật online, tư vấn pháp luật online, tư vấn pháp luật trực tuyến.
- Nhóm 3: công ty luật, văn phòng luật sư, luật sư tư vấn, luật sư giỏi.
- Nhóm 4: hoi dap phap luat, hỏi đáp pháp luật.
Với giới hạn của Title là 60 ký tự và Description trong khoảng 160 ký tự, dễ thấy bạn không thể nhồi nhét vào tất cả những từ khóa ở trên, bạn bắt buộc phải chọn ra những từ khóa quan trọng nhất (có lượt tìm kiếm nhiều và khả năng trở thành khách hàng cao). Mặt khác, từ khóa chính cần SEO phải xuất hiện cả ở Title và Description, cho nên với 60 ký tự ta chỉ có thể tối ưu tốt cho khoảng 3 từ khóa. Với danh sách trên, ta nên lựa chọn từ khóa “luật doanh nghiệp, tư vấn pháp luật, công ty luật”. Và dưới đây là một vài ví dụ về thẻ meta description trong trường hợp này:
- Công ty luật Việt Tín hỗ trợ tư vấn pháp luật miễn phí, hỏi đáp pháp luật trực tuyến, tư vấn luật doanh nghiệp và luật đất đai online qua tổng đài 1900565689.
- Công ty luật Việt Tín có tư vấn pháp luật miễn phí, tư vấn luật doanh nghiệp và hỏi đáp pháp luật trực tuyến. Chúng tôi là văn phòng luật sư hàng đầu Việt Nam.
- Văn phòng luật sư Việt Tín tự hào là công ty luật hàng đầu Việt Nam có tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp, hỏi đáp và tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí.
Xin lưu ý rằng: các từ khóa SEO không nhất thiết cứ phải viết liền nhau, nhất là trong các trường hợp để cho đoạn văn trở nên mạch lạc và hấp dẫn.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn nhận thức được giá trị của thẻ mô tả và biết cách tối ưu các thẻ mô tả cho trang web chuẩn SEO. Ngoài ra, tôi cũng rất mong nhận được những lời nhận xét vô giá của các bạn để ngày một hoàn thiện bài viết hơn. Thank you.!