Sự khác biệt giữa dân Kinh Doanh và dân Công Nghệ

Tôi xuất thân là dân công nghệ nhưng cũng rất thích kinh doanh. Tôi cũng đã làm việc với nhiều CEO của nhiều công ty khác nhau. Ở góc độ công việc, có rất nhiều điểm khác biệt giữa một người làm kinh doanh và một người chỉ làm kỹ thuật. Bản chất thì đó là sự khác nhau về tư duy kinh doanh dẫn đến cách làm cũng khác.

Dân Kinh Doanh

Khi đứng trước một công nghệ mới, họ thường nghĩ rằng chỉ cần tìm hiểu sơ qua về công nghệ xem có thể ứng dụng được gì vào công việc kinh doanh của họ là ok. Hoặc có những người còn “sơ ý” hơn, họ nghĩ chỉ cần thuê một đồng chí am hiểu về công nghệ để triển khai (áp dụng) vào việc kinh doanh của họ.

Nghe có vẻ rất hợp lý nhưng tôi thì lại có cảm giác một điều gì đó không ổn. Có lẽ điều này chỉ đúng cho những công nghệ đơn giản, dễ triển khai hoặc dễ nhìn thấy… còn với những công nghệ phức tạp (phức tạp đến mức nếu ai đó tìm hiểu công nghệ ở mức cơ bản dù nghe cũng chả hiểu lắm – ù à ù ờ như vịt nghe sấm ý) thì tôi nghĩ phải thực sự là người trong cuộc mới có thể hiểu sâu mọi khía cạnh của vấn đề.

Ngoài ra thêm một điều nữa là dân kinh doanh cũng thường cho rằng ý tưởng kinh doanh mới là cái quan trọng, còn công nghệ chỉ là yếu tố phụ, cứ thuê mấy người biết biết 1 tý dư sức làm rồi! Điều này dễ dẫn tới những hậu quả khó lường sẽ xảy ra.

Ý tưởng kinh doanh không phải quan trọng nhất
Ý tưởng kinh doanh không phải quan trọng nhất

Nếu xét về trình độ, những người chỉ gọi là “biết biết 1 tý” thì cũng chỉ có thể tạo ra những sản phẩm có chất lượng… trung bình, không vững chắc và dễ vỡ. Tôi đã chứng kiến một số công ty thất bại với cách suy nghĩ như vậy.

Dân Công Nghệ

Đứng trước một công nghệ mới, họ thường tìm hiểu về những yếu tố mới do công nghệ này đem lại so với công nghệ cũ. Rồi họ suy nghĩ với yếu tố mới này thì liệu mình có thể tạo nên được những ứng dụng với những tính năng ưu việt thế nào so với những cái hiện có. Và thế là họ sẵn sàng bắt tay vào làm mà ít để ý tới việc đầu ra của sản phẩm có bán được hay không. Đa phần những giải pháp này mang tính chờ thời là chủ yếu và thành công đến được với sản phẩm có lẽ cũng phần nhiều nhờ yếu tố may mắn.

Từ hai hướng suy nghĩ khác nhau ở trên, tôi nhận thấy để có được những dự án công nghệ với khả năng thành công cao nhất, thì rất cần những người có khả năng kết hợp được những điểm mạnh của hai hướng này. Đó là những con người với một tầm nhìn về kinh doanh sâu sắc đồng thời am hiểu về công nghệ để có thể vẽ ra được một kiến trúc ứng dụng vững chắc cho cấp dưới triển khai.

Dân Kinh Doanh làm công nghệ dễ thất bại?

Xét về tình hình thực tế hiện nay, đa phần những người đáp ứng được tiêu chí trên đều xuất phát từ dân công nghệ với một sự nhạy bén trong kinh doanh (muốn nhạy bén tất nhiên phải tìm hiểu và nghiên cứu chán chê rồi). Họ từng bước xây dựng sản phẩm cốt lõi, tổ chức bộ máy nhân sự và thống lĩnh thị trường ở lĩnh vực thế mạnh của mình.

Còn dân kinh doanh nếu đi theo cách tự làm như này sẽ gặp khá nhiều khó khăn bởi họ không đủ mức độ am hiểu như những người công nghệ (thường không có hoặc không dành nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm tòi về 1 lĩnh vực hoàn toàn mới). rốt cục những người kinh doanh làm công nghệ thành công đa phần đều xuất phát từ những sản phẩm phân phối lại của nước ngoài.

Từ đây tôi nhận ra một bài học, với những team start-up ban đầu rất cần hiểu rõ những thế mạnh của mình để có thể tận dụng tốt nhất những ưu điểm trước các đối thủ. Một team công nghệ không thể lấy yếu tố kinh doanh làm lợi thế và ngược lại một team về kinh doanh không thể quá chủ quan về mặt công nghệ. Tất nhiên cả hai đều phải nỗ lực để có thể kết hợp hài hòa cả hai yếu tố này.

Kinh doanh Online rất cần ứng dụng công nghệ

Đến một lúc nào đó vượt qua được một ngưỡng thành công nhất định thì sự khác biệt này không còn quan trọng nữa bởi họ đã có đủ sức và thế để tìm những đối tác bổ sung cho mình. Hơn nữa hầu như những người làm kinh doanh ít người kiên trì để nghe mấy ông công nghệ “cứ lảm nhảm dài dòng”… Chính vì thế dân công nghệ thường thích “sếp” của mình am hiểu công nghệ để đỡ phải nói quá nhiều. Còn những người kinh doanh muốn áp dụng công nghệ thì nên tìm hiểu và dành thời gian lắng nghe những người có khả năng tư vấn cho mình.

Bill Gates nói về kinh doanh
Bill Gates nói về kinh doanh

Tỷ phú Bill Gates đã từng nói: “Trong 5-10 năm nữa, bạn chỉ có hai lựa chọn: hoặc kinh doanh cùng internet, hoặc không kinh doanh nữa”. Quan điểm của cá nhân tôi cảm thấy lời của Bill như một điều tất yếu. Ai muốn kinh doanh từ bây giờ, cần phải biết những cái cơ bản như: Sử dụng máy tính ở mức độ cơ bản, biết sử dụng bộ công cụ Office (Word, Excel, Powerpoint,…), biết website là gì và tác dụng của website, biết mạng xã hội, biết các công cụ chát chít, email,… Nếu không biết 1 trong những thứ đó – bạn nên tìm hiểu ngay từ bây giờ.

Hợp tác kinh doanh trong thời buổi công nghệ 4.0

À, lại có một vấn đề – nếu tôi giỏi công nghệ và bạn tôi giỏi kinh doanh thì chúng tôi có thể kết hợp được không? Xin thưa: Cũng chưa hẳn đâu, khi ấy bạn sẽ thấy nảy sinh hàng trăm vấn đề. Hai người khác hoàn toàn 1 người. Ví dụ đơn giản như các cầu thủ bóng đá của đội tuyển Anh chẳng hạn, toàn những cá nhân xuất sắc, nhưng nhiều khi vẫn bị loại từ vòng bảng.

Nếu bạn là người kinh doanh có ý tưởng để mang lại giá trị cho doanh nghiệp cũng như cho khách hàng bạn cần phải có một người kỹ thuật giỏi. Vì trong thời buổi công nghệ phát triển, với khả năng tư duy của người Việt Nam thì chưa có điều gì công nghệ không làm được.

Còn bạn là một người có cả 2 yếu tố đó, sẽ rất khó cho việc thực hiện. Bởi lẽ người kinh doanh luôn mong muốn một giá trị cao hơn rất nhiều so với thực tế kỹ thuật mà người đó có thể, nhưng đổi lại một người kỹ thuật giỏi luôn mong muốn được làm việc với những ý tưởng mới, sáng tạo mới, càng thách thức kỹ thuật càng hăng say.

Tóm lại,

Chất lượng là yếu tố quan trọng để cạnh tranh và đứng vững trên thị trường! Vì thế dân kinh doanh cần có những người thực sự giỏi về công nghệ để hỗ trợ. Như vậy mới có thể áp dụng những ý tưởng kinh doanh vào việc tạo ra những sản phẩm có giá trị nhất (giá trị cả về vật chất lẫn ứng dụng).

Có nhiều anh chị đang là doanh nhân vẫn chia sẻ với tôi rằng: “Đối với các anh chị khó khăn nhất vẫn là giữ được người tài, vì người giỏi giống như con ngựa bất kham”. Quả đúng như vậy, con người là giá trị cốt lõi, phần lớn người giỏi thường ít khi khiêm tốn và hay đòi hỏi những đặc quyền đặc lợi riêng cho mình, nếu không thì cũng có chí làm chủ, làm riêng,… cho nên việc tìm được người tài giỏi đã khó, để giữ được người lại càng khó hơn. Làm sao để giữ chân người tài? Đó cũng là một nghệ thuật mà tôi sẽ chia sẻ quan điểm của mình trong bài viết sau.

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x