Trong thời buổi công nghệ đang giúp cho nhiều người dễ dàng trở nên “nổi tiếng” như hiện nay thì những “chuyên gia” cũng mọc lên như nấm sau mưa. Những người có thực lực và trình độ cao (cũng như rất giàu kinh nghiệm) trong một lĩnh vực nào đó được gọi là chuyên gia thì tôi không dám bàn, ở đây tôi muốn nói đến 2 kiểu chuyên gia phổ biến trên mạng hiện nay: một là những người được nhiều người khác hâm mộ gán cho mác “chuyên gia” và hai là loại chuyên gia “tự phong”. Cả 2 kiểu chuyên gia này đều có những nỗi khổ rất lớn mà thật sự rất khó để giãi bày.
Nội dung chính:
Chuyên gia là gì?
Theo từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia thì: Chuyên gia là thuật ngữ chỉ về những người người được đào tạo theo hướng chuyên sâu có kinh nghiệm thực hành công việc và có kỹ năng thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể hoặc có hiểu biết vượt trội so với mặt bằng kiến thức chung.
Các chuyên gia có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua việc cho ý kiến, tham vấn) vào một công việc hay một lĩnh vực cụ thể. Một trong những đặc điểm quan trọng để nhận dạng chuyên gia so với các chuyên viên, đồng nghiệp thông thường là:
- Kỹ năng, nghề nghiệp vượt trội so với các đồng nghiệp.
- Trong công việc luôn cho kết quả chính xác.
- Tinh thông nghiệp vụ, am tường về công việc đang làm.
- Được Tổ chức có thẩm quyền thừa nhận hoặc công nhận bằng văn bản.
- Có khả năng tư vấn thông thạo trên mọi lĩnh vực…
Chuyên gia được nhiều người ngưỡng mộ
Chúng ta thường có xu hướng thần tượng (ngưỡng mộ, thán phục) một ai đó khi họ có được sự thành công hoặc đạt được một thành tựu nào đó đáng kể. Những người như vậy chắc chắn là những “chuyên gia” trong lĩnh vực của họ. Tuy nhiên trên mạng internet hiện nay xuất hiện rất nhiều “chuyên gia” được người hâm mộ phong tặng vì họ thường xuyên chia sẻ (chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó…) miễn phí cho người khác. Những thứ họ chia sẻ có thể đúng hoặc chưa hoàn toàn đúng nhưng nó “có giá trị và hữu ích” với người khác, hơn nữa nó lại miễn phí nên dễ dàng được lan truyền trên mạng xã hội facebook hoặc thông qua các website, diễn đàn,… khiến cho “những người chia sẻ” được cộng đồng người hâm mộ gắn cho mác “chuyên gia”. Và nỗi khổ bắt đầu từ đây…
Ảo tưởng sức mạnh
Khi “bỗng nhiên” được người khác gọi là “chuyên gia”, có rất nhiều người bị ảo tưởng nghĩ mình là chuyên gia thật và sinh ra kiêu ngạo, tự cao trong khi thực tế bản thân mình vẫn chưa có gì gọi là “thành tựu” cả. Hoặc có những người có một chút thành tựu trong một phạm vi nhỏ lại ảo tưởng nghĩ rằng mình là chuyên gia trong rất nhiều lĩnh vực, ví như một số bạn chuyên về seo website nhưng cứ nghĩ mình là chuyên gia marketing online hoặc bạn chỉ giỏi về facebook hay đã từng bán một số mặt hàng thành công trên facebook đã tự cho mình là chuyên gia facebook, chuyên gia kinh doanh có thể tư vấn về chiến lược các kiểu… đều là ảo tưởng cả.
Khi đã ảo tưởng như vậy nghĩa là “những chuyên gia này” đang tự cho rằng mình giỏi hơn người khác, không cởi mở để học hỏi hoặc cập nhật thêm gì nữa. Thậm chí có những người còn chẳng biết mình đang đứng ở đâu, tỏ ra coi thường và chê bai những “chuyên gia” khác (mặc dù trước đó có thể họ đã từng là thầy của mình) – bạn đang tự cô lập mình và không biết rằng người khác đang “cười” sau lưng bạn đấy.!
Ngại hỏi và giấu dốt
Khi chúng ta chia sẻ và được người khác ghi nhận, thậm chí gọi mình là chuyên gia thì chắc chắn ai cũng có chút sung sướng. Tuy nhiên khi đã “trở thành chuyên gia” có một số bạn lại sinh ra ngại hỏi vì sợ người khác nghĩ mình “dốt”, xem thường mình. Khi bạn tỏ ra như bạn biết tất cả mọi thứ, người khác sẽ nghĩ rằng bạn biết rồi không phải nói thêm nữa – bạn mất cơ hội được học hỏi. Từ sự thiếu hiểu biết đó, bạn dễ dàng mắc những sai lầm mà sau này những người “tưởng bạn biết rồi” cũng sẽ “chê cười” sự sĩ diện của bạn.
Khó nhận được sự chia sẻ
Đây là điều phổ biến đang diễn ra hiện nay vì thực tế có rất nhiều người sợ bị cười chê khi “múa rìu qua mắt thợ” nên không dám nói lên quan điểm, ý kiến của mình trước mặt một chuyên gia. Họ không hề quan tâm rằng chẳng ai biết tất cả mọi thứ được, dù là những chuyên gia đích thực nhưng cũng chỉ ở trong một phạm vi, một lĩnh vực nào đó. Trong một lĩnh vực mới họ cũng chẳng khác gì chúng ta, cũng là một người cần phải tìm hiểu và mong muốn người có kinh nghiệm chia sẻ. Tuy nhiên hiện thực phũ phàng ở chỗ, dù những chuyên gia này rất khiêm tốn nhưng không làm cho người khác tin rằng họ “cần được học hỏi” và tâm lý sợ “múa rìu qua mắt thợ” của đa số khiến người khác không dễ dàng để mở lòng chia sẻ cho một “chuyên gia” nghe.
Chuyên gia tự phong
Những chuyên gia tự phong là những người có chủ đích làm marketing bản thân để phục vụ cho một tham vọng nào đó. Họ thường xây dựng hình ảnh của mình gắn liền với những thứ liên quan trong lĩnh vực họ hướng tới. Chẳng hạn như một diễn giả thường xuyên chia sẻ những hình ảnh tham gia tổ chức các khóa học, hội thảo,… một người đào tạo về bất động sản thường chia sẻ những hình ảnh thể hiện sự giàu sang, thành đạt,… tất cả họ có một điểm chung là đưa đến một thông điệp, một lời khẳng định rằng “tôi là chuyên gia trong lĩnh vực ABC”.
Những người tự tô vẽ về bản thân mình như vậy thường tạo ra rất nhiều tranh cãi, có người ngưỡng mộ nhưng cũng lắm kẻ cười chê vì đơn giản nhất là nhìn từ góc độ tâm lý: khi bạn tự khen mình, tự khẳng định mình là chuyên gia… sẽ khiến người khác cảm thấy bạn tự tin quá thành ra tự cao tự đại. Nếu bạn có được những thành tựu, sự thành công nào đó sẽ có những người công nhận tài năng của bạn, nhưng phần lớn vẫn sẽ ghét vì cái “sự tự cao” đó. Còn trong trường hợp không may, bạn chả làm được gì ra hồn thì cả thiên hạ sẽ chê cười bạn, thậm chí bêu rếu bạn như một kẻ thất bại và vọng tưởng.
Sự ngưỡng mộ, công nhận từ phía cộng đồng mới là lời khẳng định chính xác nhất về năng lực, trình độ của một chuyên gia. Khi bạn hoạt động hăng say và cống hiến không biết mệt mỏi trong một lĩnh vực nào đó thì tự người khác sẽ ghi nhận những đóng góp của bạn. Chia sẻ cũng chính là một trong những cách marketing hiệu quả.
Tóm lại, cái gì cũng cần có quá trình, những chuyên gia thực sự cũng có những người thầy, cũng từng phải đi học, phải miệt mài nghiên cứu, phải hăng say làm việc… thì mới có kinh nghiệm. Và dù khi đã có những thành công nhất định rồi họ vẫn giữ thái độ thường xuyên trau dồi, học hỏi và cập nhật để không bị tụt hậu là một điều vô cùng trân quý. Các bạn đừng chờ đợi “các chuyên gia” chia sẻ vì chỉ cần các bạn mở lòng chia sẻ thì các bạn cũng sẽ là những chuyên gia trong lòng ai đó.!