Trước khi làm bất cứ một điều gì…

2h26 phút sáng !!! Tôi vẫn chưa muốn đi ngủ mặc dù đã tự nhủ với bản thân mình “Nên ngủ sớm để sáng hôm sau dậy sớm, sẽ không phí 1 buổi sáng thay vì thức thêm 2 tiếng để ngủ đến trưa mới dậy”. Tôi muốn viết 1 cái gì đó mà chưa hình dung ra được là mình nên viết gì…Nhưng tôi nghĩ bạn nên đọc bài viết này !!!

Chợt tôi nhớ đến lời khuyên của một anh bạn thân :”Trước khi làm bất cứ việc gì em nên tiến hành theo 3 bước – làm gì ? cho ai ? và như thế nào ?

LÀM GÌ ?Nếu bạn đang định làm một điều gì đó mà lại không biết mình sẽ làm gì thì bạn không thể hình dung được bạn phải làm gì ! Minh chứng là theo thói quen tôi lại bật máy tính lên nhưng bỗng hôm đó không muốn làm gì cả, không muốn chơi, không muốn đọc báo, nghe nhạc, xem phim…Và kết quả là không biết làm gì cả, cứ ngồi trước cái laptop rồi vào hết trang web này, trang web khác…sau đó lại tắt đi, tắt đi vài phút lại vào…

Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng đó chưa ? Hoặc tương tự như thế ? – Đó là một cảm giác rất khó tả, một cảm giác như kiểu mình thật “vô công rồi nghề”. Đó là vì bạn chưa xác định được mình làm gì ! Đừng để phí thời gian, hãy tạm dừng mọi thứ lại và tự vấn: “MÌNH SẼ LÀM GÌ BÂY GIỜ ?”

Làm điều bạn cần hay điều bạn muốn ?

Rất nhiều người đã khuyên tôi hãy làm điều tôi cần phải làm trước khi làm những thứ mà tôi muốn làm. Nói thì dễ, làm mới khó. Trong cuộc sống, đôi khi cảm xúc lấn át lý trí, khi đó bạn sẽ làm những việc mình muốn làm và gác những việc mình cần làm lại – Có thể sẽ không sao cả (đó là khi bạn may mắn). Ngược lại, nếu lý trí lấn át trái tim, bạn sẽ hành động và làm những gì bạn cần phải làm trước (đây là lúc bạn đang “đúng”, đang “có trách nhiệm” với bản thân, đang “có trách nhiệm” với công việc, hay ít nhất điều đó sẽ giúp bạn có những thứ bạn đang “cần”)

LÀM CHO AI ? – Sau khi xác định được bạn sẽ làm gì thì bạn nên dành vài giây để tự vấn: “BẠN LÀM ĐIỀU ĐÓ CHO AI ? CHO CHÍNH BẠN HAY CHO NGƯỜI KHÁC?”

– Nếu là cho bạn thì đương nhiên không có gì phải nói thêm.

– Nếu là cho người khác thì :

  • Người đó là ai ? Có quan hệ gì với bạn ? Làm điều đó/việc đó cho người đó bạn được gì ? Bạn cảm thấy như thế nào ? (Đây là 1 suy nghĩ có phần thực dụng – nhưng không phải là không nên. Đôi khi bạn nên quý trọng thời gian của chính mình, đừng làm những việc “tốt” thừa trong khi chính bạn đang cần phải làm vô số những việc khác hay bạn cần phải “có trách nhiệm” với rất nhiều người khác ( như bố mẹ, anh em, bạn bè, người yêu…)
  • Cho đi là để nhận lại – cũng như slogan của tôi : Chia sẻ để học hỏi ! Nếu bạn không “cho” đi thì làm sao có quyền đòi hỏi ai đó phải “cho” bạn ? Nếu bạn không chia sẻ thì cũng không có quyền đòi hỏi ai đó phải chia sẻ với bạn ! Đây chẳng phải là quy luật của cuộc sống hay sao ?
  • Khi bạn “cho” một người khác, chưa hẳn người đó đã “trả” lại bạn mà người khác sẽ “cho” bạn thay người đã được bạn “cho”. Tôi nhận ra điều này vì trong cuộc đời của tôi, khi tôi để ý, tôi nhận ra rằng “Tôi thường gặp may mắn sau khi tôi vừa làm 1 việc tốt” – Nếu không đúng với cuộc đời bạn thì bạn hãy thử ngẫm lại xem sao !

VẬY PHẢI LÀM NHƯ THẾ NÀO ? – Như thế nào là như thế nào  ? Là hãy vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân bạn, vạch ra 1 “kế hoạch” cho việc bạn đang chuẩn bị làm. Nói là “kế hoạch” thì nghe hơi to tát, nhưng cũng không phải là quá đáng đâu ! Vì khi bạn làm thành công những việc nhỏ thì chẳng có gì khó hiểu khi bạn sẽ thành công nhiều việc nhỏ, những cái nhỏ gộp lại sẽ là 1 cái to ! “KẾ HOẠCH” chẳng phải là những thứ mà chúng ta “mổ xẻ” từ những thứ to lớn hay sao ???

* NHỮNG BƯỚC ĐƠN GIẢN ĐỂ LÊN 1 KẾ HOẠCH :

1. Đầu tiên bạn nên bắt đầu bằng việc tìm kiếm thời gian rảnh cho những dự định của mình. Đương nhiên bất kỳ ai cũng luôn phải dành thời gian cho những hoạt động thường nhật, ngoài chúng ra, hãy tận dụng thời gian còn lại để làm những gì bạn muốn.

2. Kế đến, lấp đầy những hoạt động bạn cần làm vào những khoảng thời gian đấy. Song song với quá trình này là bạn phải luôn luôn để tâm đến trình tự ưu tiên của chúng. Sự ưu tiên ấy có thể là do sở thích của bạn. Vâng hôm nay tôi muốn học nấu ăn trước khi làm bài tập hoặc tôi phải đi cắt tóc cái đã trước khi gặp cô bạn mới. Sự ưu tiên ấy phụ thuộc ở chính bạn. Đương nhiên bạn phải ưu tiên bài kiểm tra cuối khóa trong hai ngày tới hơn là một buổi đi dã ngoại cuối tuần. Trong một số trường hợp bạn phải bỏ qua những việc nhỏ để hướng đến những mục tiêu lớn. Và cũng có khi không phải chỉ là sự tương quan giữa những việc lớn và nhỏ, bạn phải hy sinh mơ ước này để đuổi theo một mục tiêu khác. Bạn biết đấy đó vừa là sự khó khăn vừa là nét thú vị của cuộc sống. Luôn có những người phải hy sinh gia đình vì công việc hoặc ngược lại. Và cho dù có một kế hoạch hoàn hảo đi chăng nữa, đôi khi bạn cũng mất mát một đìều gì đấy. Tuy nhiên tôi mong sự mất mát này chỉ là tạm thời vì bạn sẽ lại đặt ra kế hoạch để lấy lại những gì đã mất!

3. Dành ra những khoảng thời gian cần thiết giải quyết sự cố. Điều này lại phụ thuộc vào kinh nghiệm của bạn. Bạn đang thực hiện một công việc có tính rủi ro cao, hãy dành thời gian dự phòng nhiều lên. Công việc thực tế luôn khác hẳn với lý thuyết và cũng như những gì ta trù định. Đó là lý do tại sao người ta rất dễ lúng túng với những công việc mới. Bạn không thể nào biết được những việc bất ngờ phát sinh và sắp xếp kịp thời gian để giải quyết chúng. Những người chưa thạo việc đôi khi còn phải lấy quỹ thời gian cá nhân để giải quyết công việc. Nhưng khi bạn đã có kinh nghiệm, hãy luôn dành một khoảng thời gian hợp lý cho những sự cố phát sinh. Một người có trình độ chuyên nghiệp là một người lường trước được càng nhiều càng tốt những khả năng có thể xảy ra, những đều có thể cản trở công việc của mình. Do đó bạn càng hoàn thiện mình bản kế hoạch của bạn càng hoàn hảo hơn.

4. Ngoài ra lời khuyên cho bạn là nên lập một kế hoạch linh hoạt, tùy từng trường hợp mà có thể bạn phải thay đổi kế hoạch vào giờ chót. Vâng vì bạn đâu phải là một cái máy. Nhưng lý do để thay đổi kế hoạch nên đươc kiểm tra về độ logic, đương nhiên tôi không khuyên bạn đổi kế hoạch đến trường hôm nay bởi vì mình mới nổi cái mụn to và xấu quá (!!!)

5. Sắp đặt một lịch trình làm việc tức là bạn đang lên kế hoạch cho việc sử dụng thời gian của mình. Có một kế hoạch cụ thể bạn vừa tránh được những căng thẳng trong công việc vừa làm việc hiệu quả hơn.

* Cách sắp xếp lịch trình được tóm gọn như sau:

– Vạch ra khoảng thời gian trống của cá nhân.
– Điền vào từng khoảng thời gian những công việc cụ thể: đầu tiên là những việc quan trọng nhất tiến hành trước, những việc còn lại theo sau.
– Luôn dành thời gian cho những sự việc bất ngờ.
– Kế hoạch có thể thay đổi khi cần thiết nhưng bình thường thì nên cố gắng làm được những gì đã đề ra?

Trên đây là một chút “tâm sự” của tôi trong một khoảnh khắc “chưa xác định được mình sẽ làm gì”, hi vọng nó sẽ giúp bạn phần nào đó cải thiện sự “trì trệ” trong tư duy !

Chúc bạn thành công !

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x