Quy trình SEO website lên TOP chuẩn nhất

Những bạn mới học seo sẽ bị “tàu hỏa nhập ma” với các khái niệm seo vô cùng rắc rối và không biết phải bắt đầu SEO từ đâu. Cho nên tôi viết bài này để chia sẻ quy trình seo đầy đủ của tôi nhằm giúp các bạn định hình được từng bước để bắt đầu làm seo cho một website mới.

Quy trình seo đầy đủ

Bao gồm 8 bước sau đây:

  1. Xây dựng danh sách từ khóa đầy đủ về lĩnh vực (thị trường) bạn đang hướng đến.
  2. Lựa chọn ra những từ khóa sẽ tập trung làm SEO.
  3. Nghiên cứu các đối thủ (trên Internet) để tìm ra lợi thế cạnh tranh.
  4. Thiết lập các mục tiêu SEO cho từng từ khóa cụ thể ứng với các giai đoạn 3 tháng, 6 tháng, 1 năm,…tùy vào khả năng tài chính và nhân lực,…
  5. Xây dựng, tối ưu nội dung cho các trang đích và toàn bộ website.
  6. Lập kế hoạch phát triển nội dung cho website trong tương lai.
  7. Lên kế hoạch xây dựng hệ thống site vệ tinh và cách xây dựng backlinks.
  8. Theo dõi, phân tích hành vi người dùng và đánh giá hiệu quả của SEO để có hướng điều chỉnh phù hợp.

Tóm gọn lại, quy trình SEO rút gọn gồm 6 bước:

  1. Xây dựng danh sách từ khóa SEO;
  2. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh;
  3. Tối ưu SEO Onpage;
  4. Tối ưu SEO Offpage;
  5. Đánh giá hiệu quả;
  6. Thay đổi hoặc điều chỉnh;
Quy trình SEO website
Quy trình SEO website đầy đủ

Dưới đây là phần hướng dẫn chi tiết và bài bản nhất cho từng bước.

1. Xây dựng danh sách từ khóa seo

Đầu tiên, các bạn phải xác định được mục đích của việc làm SEO. Vì sao bạn lại nghĩ đến SEO?

Có thể bạn đã có kiến thức cơ bản về SEO hoặc bạn nghĩ mình đã hiểu bản chất của SEO rồi nhưng tôi vẫn khuyên bạn nên đọc bài viết SEO là gì của tôi để chắc chắn rằng bạn sẽ hiểu đúng lối tư duy của tôi. Sau đó, hãy xem xét các ví dụ dưới đây:

  • Để bán thời trang nam, tôi sẽ làm một website giới thiệu những mẫu quần áo nam mà tôi bán. Sau đó tôi sẽ làm SEO để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Ngoài ra kết hợp các hình thức quảng cáo, marketing khác.
  • Tôi sẽ làm website để giới thiệu dịch vụ sửa chữa máy tính, laptop và bán các loại linh kiện máy tính. Sau đó SEO và quảng cáo Google Adwords để tìm kiếm khách hàng trong khu vực Hà Nội,…
  • Tôi đã làm website giới thiệu công ty luật của tôi từ 2 năm trước. Bây giờ tôi muốn SEO website đó lên TOP để nhiều người biết đến tôi và những ai cần tư vấn pháp luật sẽ tìm gặp tôi.

Tóm lại, bạn phải xác định được những mục tiêu càng cụ thể càng tốt để từ đó định hướng việc xây dựng danh sách từ khóa.

Tập trung vào các từ khóa tiềm năng nhất

Các bạn nên lựa chọn những từ khóa nằm trong lĩnh vực kinh doanh của bạn, đặc biệt là những từ khóa thể hiện rõ mục đích tìm kiếm của khách hàng. Ví dụ:

  • Một số từ khóa trong lĩnh vực thời trang nam là: quần áo nam, áo sơ mi nam, quần kaki nam,…
  • Từ khóa về chủ đề máy tính như: máy tính giá rẻ, máy tính cũ, sửa máy tính ở đâu,…
  • Từ khóa trong lĩnh vực luật: công ty luật, văn phòng luật sư, thành lập công ty,…

Từ khóa mà bạn lựa chọn làm SEO đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên thành công của một dự án SEO. Cho nên tôi đã viết bài hướng dẫn xây dựng danh sách từ khóa để giúp những bạn chưa có kinh nghiệm có thể tự xây dựng cho mình một danh sách từ khóa đầy đủ nhất về lĩnh vực mà bạn muốn, đồng thời chọn ra những từ khóa phù hợp để làm SEO.

Sau khi có danh sách từ khóa, bạn sẽ phần nào hiểu được thị trường của mình, cụ thể hơn là thị trường trong mảng tìm kiếm online. Khi đó, bạn cần nghiên cứu để hiểu về các đối thủ của mình trong thị trường này, từ đó tìm ra lợi thế cạnh tranh để phát triển.

2. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

Để biết ai là đối thủ cạnh tranh của bạn thì rất đơn giản, chỉ cần tìm kiếm bằng chính những từ khóa mà bạn đã chọn để làm SEO ở phần trên. Google sẽ liệt kê ra hàng loạt các website “đối thủ”. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ đâu mới là “đối thủ thực sự” của bạn. Ví dụ: Tôi là một luật sư và khi tôi tìm kiếm từ khóa tư vấn pháp luật thì Google hiện ra các website đối thủ:

  • Top 1 – luatminhkhue.vn (Công ty luật Minh Khuê)
  • Top 2 – doisongphapluat.com (Báo đời sống và pháp luật)
  • Top 3 – luatminhgia.com.vn (Công ty luật Minh Gia)
  • Top 4 – dantri.com.vn (Báo dân trí)
  • Top 5 – vnexpress.net (Báo điện tử VNExpress)

Rõ ràng 3 trang báo điện tử không phải là đối thủ trực tiếp của tôi. Trong khi công ty luật Minh Khuê và Minh Gia là hai đối thủ thực sự.

Tìm ra 5 đối thủ mạnh nhất

Khi tìm kiếm bạn sẽ thấy các kết quả ở TOP dưới còn nhiều đối thủ khác nữa nhưng chúng ta chỉ cần tìm khoảng 5 đối thủ đứng đầu thôi. Vì theo một thống kê năm 2014, có tới 90% người tìm kiếm sẽ click vào 5 kết quả đầu tiên và khoảng 70% người tìm kiếm chỉ xem trang kết quả đầu tiên trên Google.

Tất nhiên, nếu bạn có thời gian để nghiên cứu nhiều hơn thì càng tốt. Có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Bạn càng hiểu về đối thủ bao nhiêu thì khả năng bạn chiến thắng càng lớn bấy nhiêu.

Đối với tôi, kinh doanh giống như khi tán gái. Để chinh phục được trái tim một cô gái, tôi không chỉ phải hiểu cô ấy, biết cô ấy thích gì và không thích gì,… mà còn phải hiểu cả những đối thủ của mình. Trong SEO cũng thế, bạn phải hiểu cách đối thủ làm SEO để học theo những cái tốt và tránh những cái chưa tốt đi. Như thế thì mới mong cạnh tranh được với đối thủ được.

3. Tối ưu seo onpage

Tất cả những công việc liên quan đến việc tối ưu các nội dung, hình ảnh, liên kết trên website của chúng ta gọi là tối ưu seo onpage. Đây là việc làm quan trọng nhất trong SEO đòi hỏi lượng kiến thức chuyên môn khá rộng. Các bạn xem chi tiết tại đây: Tối ưu SEO Onpage là gì.

Có một lưu ý quan trọng dành cho các bạn mới seo: Các bạn khi phát triển một website mới thường nghĩ rất đơn giản là chỉ cần bổ sung đầy đủ những bài viết có chứa các từ khóa cần SEO là xong. Từ đó trở đi không bao giờ cập nhật nội dung mới cho website nữa hoặc nếu có thì lâu lâu mới đăng được 1 bài. Đây là suy nghĩ vô cùng sai lầm và nặng tính học vẹt khi chưa hiểu sâu bản chất của SEO.

Các trang web (URL) cần SEO thì đương nhiên phải có. Nhưng bạn cũng cần có những bài viết khác nữa. Mục đích là để làm nội dung website thêm phong phú và tăng số lượng, chất lượng liên kết nội bộ trỏ đến URL cần seo. Giống như nuôi con thì phải cho con ăn uống cẩn thận không nó bị thiếu chất làm sao mà lớn được 😀

4. Tối ưu seo offpage

Sau khi tối ưu seo onpage tốt, về cơ bản website của bạn đã có nội dung ban đầu thì bạn cần đăng ký website vào các công cụ tìm kiếm để các nội dung của website được máy tìm kiếm thu thập và lập chỉ mục. Đây là điều kiện tiên quyết để người tìm kiếm có thể tìm thấy trang web của bạn.

Sau đó, để website của bạn được phổ biến và nhiều người biết đến hơn thì bạn cần làm các công việc khác nữa – quá trình này được gọi là seo offpage.

→ Xem tiếp: Tối ưu SEO Offpage là gì.

Seo offpage không phải chỉ là đi links

Có rất nhiều bạn nhầm lẫn việc seo offpage chính là xây dựng backlinks cho nên cứ nhắc đến seo offpage là nghĩ ngay tới đi link. Đây là suy nghĩ sai lầm mà thực tế đã làm hại rất nhiều bạn. Các bạn tốn rất nhiều công sức và thời gian đi spam backlink nhưng từ khóa vẫn không thấy lên top. Thậm chí website còn bị dính tác vụ thủ công, bị vi phạm vào các thuật toán của Google,…

Các bạn nên hiểu rằng cái gì cũng cần có quy trình. Làm SEO cũng phải từng bước, chậm nhưng chắc. Phải bỏ ngay khỏi đầu cái tư tưởng làm thế nào để xây dựng thật nhiều backlink, thật đa dạng domain,… Vì sao?

Không ai phủ nhận việc đa dạng domain và nhiều backlink là tốt, nhưng xin nhấn mạnh lại với các bạn là backlink phải chất lượng thì mới là tốt chứ còn nhiều backlink không chất lượng thì “gậy ông đập lưng ông” đó.

→ Xem tiếp: Backlink chất lượng là gì

Cách xây dựng backlink cho website mới

Một website mới xây dựng chưa hề có người truy cập (visit rất ít) thì mọc đâu ra hàng nghìn, hàng vạn backlinks? Do đó các bạn cần bình tĩnh, làm lần lượt từng bước, đúng quy trình và ở mức độ vừa phải. Website mới thì mới đầu đi ít links thôi:

  • Từ 1-5 cái mỗi ngày trong tuần đầu tiên;
  • Sau đó tăng dần lên 5-10 cái/ngày trong tuần tiếp theo;
  • Tăng tiếp từ 10-20 cái/ngày cho các tuần sau đó,…

Cứ như thế kết hợp với theo dõi tín hiệu của từ khóa để có sự điều chỉnh hợp lý. Lưu ý là phải làm đều đặn, hàng ngày chứ đừng làm kiểu phập phù sẽ không thấy hiệu quả đâu.

→ Xem tiếp: Bao nhiêu backlink từ khóa sẽ lên top?

5. Đánh giá hiệu quả seo

Mục đích làm SEO là để từ khóa lên TOP, website có nhiều người truy cập (traffic). Trong kinh doanh thì SEO giúp mang lại những khách hàng tiềm năng cho nên để đánh giá hiệu quả của SEO thì:

  • Đầu tiên phải căn cứ vào thứ hạng của các từ khóa SEO;
  • Sau đó tính đến lượng visit của website;
  • Và cuối cùng mới xem xét đến hiệu quả thực tế mang lại (nếu là kinh doanh);

Kiểm tra thứ hạng từ khóa

Việc này rất đơn giản, các bạn sử dụng trình duyệt ẩn danh để tìm kiếm từ khóa cần SEO xem website mình đang ở vị trí nào.Bạn nên kiểm tra với nhiều thiết bị khác nhau (laptop, mobile,…) và các mạng khác nhau (VNPT, FPT, Viettel,…) sẽ khách quan và chính xác hơn.

Nếu các bạn có quá nhiều từ khóa thì phải dùng đến phần mềm để kiểm tra hàng loạt (tôi thường dùng Rank Tracker). Tuy nhiên phần mềm đôi khi cũng không chính xác lắm vì nó liên quan đến địa chỉ mạng của bạn, nói chung check bằng tay vẫn hiệu quả hơn.

Xem traffic vào website

Sử dụng Google Analytics để thống kê và phân tích lưu lượng người truy cập vào website của bạn. Sử dụng Google Webmaster Tool (Search Console) để kiểm tra các từ khóa được người dùng tìm kiếm, tỷ lệ chuyển đổi, thứ hạng trung bình các từ khóa,…

Đánh giá hiệu quả thực tế

Đây là phần đau đầu nhất, nan giải nhất đối với bất kỳ nhân viên SEO nào khi bị sếp thắc mắc: Tại sao SEO lên top rồi mà không có đơn hàng? Quả thực các bạn không có kinh nghiệm cũng như không am hiểu về kinh doanh sẽ bị cứng họng, không biết phải trả lời ra sao?

SEO lên TOP mà không có khách
SEO lên TOP mà không có khách?

Đối với các website tin tức, blog, diễn đàn,… đại khái là không kinh doanh thì chỉ cần dựa vào thứ hạng từ khóa và lượng visit của website để đánh giá hiệu quả của SEO. Nhưng với website bán hàng, làm seo để phục vụ mục đích kinh doanh thì phải có hiệu quả, phải có tỷ lệ chuyển đổi thành khách hàng thực tế. Đây là mục đích tối cao của bất kỳ “ông chủ” nào.

Vậy thì đo đếm hiệu quả thực tế mà SEO mang lại bằng cách nào nếu doanh nghiệp của bạn đồng thời triển khai nhiều chiến dịch marketing khác nhau?

Phương án 1

Bạn phải lập phiếu thăm dò đối với từng khách hàng. Hỏi họ xem họ biết đến sản phẩm/dịch vụ qua kênh nào?

Phần lớn khách hàng sẽ nhớ và cho bạn câu trả lời khách quan nhất. Nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ khách hàng không nhớ (hoặc không biết) nên trả lời bừa. Cho nên với phương pháp này bạn sẽ có kết quả chính xác rất cao.

Phương án 2

Tạm dừng toàn bộ các chiến dịch, kế hoạch marketing khác (đừng quảng cáo Facebook nữa, đừng chạy Google Adwords nữa,…) trong vòng 1 tuần thì sẽ biết ngay hiệu quả mà thương hiệu của bạn (khách cũ) và SEO (khách mới) mang lại.

Tất nhiên phương án này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của bạn nên chả dại gì mà bạn lại thực hiện nó 😀

Phương án 3

Sử dụng riêng số điện thoại, email, live chat… trên website để đo doanh số từ những khách hàng thông qua đó. Tất nhiên không loại trừ một tỷ lệ nhất định khách hàng tìm kiếm vào website nhưng lại đến trực tiếp cửa hàng/công ty của bạn.

Kết luận

Nói chung 3 cách trên chỉ là gợi ý của tôi, còn tùy vào mô hình kinh doanh của bạn mà chính bạn phải nghĩ ra một cách nào đó để đo lường hiệu quả của từng chiến dịch Marketing cho phù hợp. Có đo lường hiệu quả thì mới biết bạn có ném tiền qua cửa sổ hay không, làm cơ sở cho việc điều chỉnh và tối ưu ngân sách marketing tập trung vào kênh nào mang lại hiệu quả cao nhất.

6. Thay đổi & Điều chỉnh

Trong quá trình làm SEO các bạn phải theo dõi tín hiệu của từ khóa liên tục để có hướng điều chỉnh hợp lý. Ví dụ:

  • Google cập nhật thuật toán mới như ưu tiên giao thức https chẳng hạn thì bạn có nên chuyển từ http sang https để bắt kịp thời cuộc không?
  • Từ khóa đang đứng TOP bỗng dưng không cánh mà bay;
  • Bạn đã làm rất bài bản, rất đúng cách mà sao mãi từ khóa không lên TOP;
  • Seo mãi từ khóa đứng im không lên được;

Rất nhiều tình huống sẽ xảy ra trong nghề SEO của các bạn. Mỗi khi gặp khó khăn mà bạn vượt qua thì thời khắc khó khăn đó sẽ chuyển hóa thành kinh nghiệm giúp bạn thành công hơn với các dự án sau này.

Tóm lại, sẽ không có một ví dụ cụ thể nào trong phần này vì:

  • Hoàn cảnh, khó khăn của mỗi người là khác nhau;
  • Mỗi người có cách làm SEO khác nhau;
  • Mục đích viết nội dung khác nhau;
  • Lĩnh vực chủ đề khác nhau;
  • Và hơn hết SEO là cuộc đua giữa bạn với các đối thủ mà không bao giờ có hồi kết. Cho nên để mãi là người dẫn đầu cuộc đua thì bạn phải thể hiện được bản lĩnh của mình.

Không ai lường trước được điều gì sẽ đến. Có thể bạn sẽ bị đối thủ chơi xấu, có thể vì đối thủ quá mạnh,… lúc đó hãy nhờ đến sự trợ giúp của anh Gồ, anh ấy sẽ nói: “Số mày quá đen.”

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x