Này thì mồng 1 Tết :)

Đầu tiên, mình xin kính chúc các bạn (những ai đọc bài viết này) một năm mới tràn đầy sức khỏe, tràn đầy tình yêu, niềm tin và mãi mãi hạnh phúc.

Sáng mồng 1 Tết 2014, do là con trưởng nên tôi đang ngồi ở nhà để tiếp khách chứ chưa đi chúc Tết như mọi người. Khoảng 2 giờ chiều – thời khắc hiếm hoi tôi và ông nội được tạm nghỉ sau một đoàn khách vừa ra về. Tôi bất giác nhìn lại 1 năm vừa qua, tự hỏi mình đã làm được những gì?

Một năm vừa qua rồi! Hình như không thay đổi mấy!

Còn nhớ Tết năm ngoái ngồi lập kế hoạch, viết công việc, quyết tâm cũng cao lắm, vậy mà sau 1 năm kế hoạch vẫn nằm trên giấy, bản thân mình vẫn chưa tự chiến thắng được chính mình những lúc lười biếng, ham vui,…Chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ: Làm trai đứng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông“.

Có lẽ bất kỳ ai cũng có những ước mơ, những khát vọng, hoài bão, mong muốn làm được những điều có ý nghĩa không chỉ với bản thân mà cho cả những người khác. Sống tốt thôi đã khó rồi, sống để mà “có danh” với núi sông chắc chắn sẽ khó hơn nhiều. Nhưng nếu bạn chỉ nói và nghĩ về điều đó thì sẽ chẳng bao giờ bạn thực hiện được cái “chí làm trai” đó đâu. Bản thân tôi cũng đã từng nghĩ rất nhiều, nói cũng rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được những điều mà mình thực sự đang muốn và đã nghĩ. Năm 2013, tôi được nghe chửi, nghe mắng, nghe trách móc rất nhiều; chợt nhận ra 1 điều giản đơn rằng “Nếu không bắt tay làm thì sẽ chẳng bao giờ có kết quả”. Thế nên, các bạn cũng đừng nghĩ nhiều, đừng nói quá nhiều, hãy nghĩ kỹ và làm nhiều, nhất định các bạn sẽ nhìn thấy kết quả. Tất nhiên là “đừng bao giờ bỏ cuộc nếu vẫn còn hi vọng“.

Thật vậy, sống mà không ước mơ, không hoài bão, không khát vọng thì sống để làm gì ? Mà đã có ước mơ thì bắt tay vào thực hiện đi, làm đi, hành động đi chứ ngồi đó suy nghĩ mãi, nói mãi, viết kế hoạch mãi giống như tôi đâu có kết quả gì ?

Và tôi tự hỏi mình “Phải bắt đầu từ đâu?”. Tôi quay sang hỏi ông nội: Ngày xưa thời chiến tranh loạn lạc như thế, ăn còn chẳng đủ no sao ông lại nghĩ đến chuyện đi học?

– Cụ con là nhà nho đã dặn ông cho dù thời thế có như thế nào thì con cũng phải chăm lo việc học tập, đó là cái căn bản để rèn luyện bản thân.

Quả đúng như câu nói của Khổng Tử: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Việc lớn chỉ đơn giản được cấu thành từ những việc nhỏ“, thế nên nếu bạn muốn làm việc lớn thì hãy hoàn thành tốt những việc nhỏ trước đã. Đại đa số những người thích tự khẳng định mình ngày nay đều chỉ muốn “Trị quốc” và “Bình thiên hạ” chứ không mấy để ý đến việc “Tu thân” và “Tề gia” là phải làm trước tiên.

Ngay cả trong đạo vợ chồng, người đàn ông cũng chỉ muốn Tề Gia chứ được mấy người nghĩ rằng mình cần phải Tu Thân. Cái đạo làm người cốt lõi ở chữ Tu Thân, xong rồi mới tới hành đạo. Đạo không chỉ có nghĩa là đạo lý luân thường, mà Đạo còn nói về những gì hợp với lẽ tự nhiên, hợp với quan niệm xã hội, và với quan hệ con người.

Thành thử ra, đàn ông bây giờ gặp nhau toàn nói chuyện trên mây trên gió, đu dây điện cả ngày, vợ với bạn gái kêu cũng không xuống. Vì cái đầu họ nghĩ lớn quá, nghĩ toàn chuyện quốc gia đại sự, chuyện của các quốc gia ABC, rồi cả chuyện của ông bà XYZ ở tận đẩu tận đâu…chứ có ai thèm nghĩ đến việc nhà cửa gia đình nhà mình đâu.

Dân ta thường nói một cặp Tu Thân Tích Đức (hay là Tu Nhân Tích Đức), thật ra không cần phải cố tình tích đức bằng cách làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo hay đóng góp các quỹ bão lụt, bởi chỉ cần Tu cái Thân thôi thì tự nhiên tích được Đức.

Tu thân là như vậy, sống phải nhân hậu, phải đàng hoàng thì tự nhiên đức nó tới, chứ không cần phải tích, phải trữ làm gì. Thành thử ra, ngày nay đàn ông Việt Nam đu dây diện quá nhiều, lo nhà đất, lo chứng khoán, lo buôn bán làm ăn, lừa nhau được cái gì thì lừa, giấu nhau được cái gì thì giấu, cốt chỉ để thủ lợi cho mình nhiều hơn cho thằng kia, rồi đem tiền về quăng cho vợ là coi như xong bổn phận làm chồng.

Nhiều người mơ xa, mơ cao làm giám đốc công ty này, chuyên gia lĩnh vực nọ…mà suốt ngày chỉ biết đu dây điện, chém gió thành thần, khiến chị em phụ nữ nghe xong chỉ biết tròn mắt bái phục, nhưng thực chất lại là một kẻ thô bỉ, vô công rồi nghề…thậm chí hoang dâm, bạo ngược,…

Đến bản thân mình còn không thèm tu, không thể là một người quân tử đường đường chính chính mà về nhà cứ đòi lên mặt dạy vợ dạy con; ra đường thì dạy dân dạy nước, dùng vũ lực trấn áp kẻ yếu…chẳng khác gì một gã điên nói chẳng ai thèm nghe mà cũng không ai muốn cãi.

Câu nói từ hai ngàn năm trước của Khổng Tử dạy cho đám hậu bối tới ngày nay mà cái điều đơn giản nhất là Tu Thân còn hiếm thấy người làm cho trọn vẹn, thì chắc là Tề Gia – Trị Quốc – Bình Thiên Hạ là cái điều khó khăn tột bậc…

Lại nói về việc học! Học gì, học như thế nào thì phụ thuộc ở quan điểm cũng như nhận thức của từng người mà có những cách “học” khác nhau. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh đến việc rất quan trọng trong sự “học”. Đó chính là việc “lắng nghe”.

Việc lắng nghe không chỉ thể hiện bạn đang tôn trọng người nói mà còn giúp bạn hiểu hơn về người nói. Việc “lắng nghe” giúp bạn học được mọi lúc, mọi nơi.

Rất nhiều người cho rằng những người ở “cấp độ” cao hơn được quyền “dạy dỗ” những người ở “cấp độ” thấp. “Cấp độ” mà tôi nói đến ở đây là “trình độ”, là “thứ bậc”, là “địa vị”…

Ví dụ như: thầy được dạy dỗ trò, bố mẹ dạy dỗ con cái, sếp dạy dỗ nhân viên…cho nên con cái phải nghe lời bố mẹ, nhân viên phải nghe lời sếp, trò phải nghe lời thầy. Điều này tất nhiên là đúng ! Nhưng chỉ đúng ở một số khía cạnh chứ không phải tất cả. Cụ thể như: về kiến thức chuyên môn thì thường là thầy giỏi hơn trò nên trò phải nghe lời thầy, về kinh nghiệm sống thì bố mẹ nhiều hơn con cái nên con cái phải nghe lời khuyên. Nhưng về quan điểm sống,cách giao lưu, giao tiếp, các mối quan hệ…và trong nhiều trường hợp thì mỗi người mỗi khác không theo một chuẩn mực nào cả vì vậy bất kỳ ai ở “cấp độ” nào cũng cần biết “lắng nghe”.

Tôi có một số bạn bè bảo thủ đến nỗi lúc nào cũng tự cho mình là đúng, những gì ngược lại đều là sai và thậm chí còn không bao giờ dành thời gian để lắng nghe người khác nói. Có lẽ họ rất giỏi, họ đã thành công ở một khía cạnh nào đó. Nhưng đối với tôi, những người không chịu lắng nghe được xếp vào loại ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH. Đu dây điện nhiều quá đến lúc ngã sẽ rất rất đau.

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x