Nguyên Tắc S.M.A.R.T Trong Marketing

Một số người làm marketing chỉ chú trọng đến thao tác tạo và chạy quảng cáo nhưng ít quan tâm đến mục tiêu của quảng cáo. Nói đúng hơn là họ chỉ coi mục tiêu quảng cáo là bán được bao nhiêu hàng, ra bao nhiêu đơn. Trong bài vết này, tôi sẽ nói về nguyên tắc S.M.A.R.T trong marketing để xây dựng mục tiêu quảng cáo. Bài viết này sẽ cho các bạn biết mục tiêu của quảng cáo không chỉ là bán hàng online mà còn là nhiều thứ khác.

Xây dựng mục tiêu quảng cáo trong một chiến dịch marketing có 2 lợi ích chính:

  1. Hỗ trợ cho việc lập plan cho quảng cáo (dù là quảng cáo Facebook hay Google)
  2. Tạo cơ sở cho việc đánh giá kết quả

Khi có mục tiêu quảng cáo, doanh nghiệp sẽ có phương hướng rõ ràng trong việc sử dụng các nguồn lực truyền thông.

Vậy làm thế nào để có một mục tiêu quảng cáo? Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc S.M.A.R.T (“Smart” nghĩa Tiếng Anh là “thông minh, nhạy bén”), thể hiện ở các chữ cái đầu tiên như sau:

1. S (Specific) – Cụ thể, rõ ràng

Mục tiêu phải cụ thể, không quá chung chung. Ví dụ:

  • Nếu là mục tiêu về tăng độ nhận biết của sản phẩm thì là tăng bao nhiêu phần trăm?
  • Tăng traffic truy cập website thì phải cụ thể là bao nhiêu lượt click?
  • Cần thời gian bao nhiêu lâu (ngày, tuần, tháng) để kết thúc?

2. M (Measurable) – Có thể đo lường được

Mục tiêu đề ra phải có đơn vị, con số cụ thể để cân đong đo đếm được. Ví dụ: số lượng click vào website, số lượng views của video, số lượng share,…

Sau khi kết thúc chương trình chạy quảng cáo, chúng ta có thể xác định mục tiêu có đạt được hay không.

3. A (Achievable) – Có thể đạt được

Mục tiêu đặt ra cần vừa đủ cao để khai thác tiềm năng công cụ quảng cáo và ở mức vừa tầm để có thể đạt được. Rất nhiều người không đặt ra mức này hoặc kỳ vọng quá cao.

Mục tiêu là một con số dù cụ thể và đo lường được nhưng lại quá tầm thì sẽ gây áp lực và mệt mỏi. Giống như câu chuyện vận động viên tập nhảy xà thì luôn để mức xà ban đầu là thấp xong rồi mới nâng dần lên.

Kinh nghiệm của tôi là những lần chạy quảng cáo ban đầu nên đặt mục tiêu có thể đạt được này thấp hơn so với thị trường chung một chút. Khi đạt được rồi thì có động lực nâng lên. Nếu chưa đạt được thì có thể xem xét lại quảng cáo hoặc những yếu tố khác để tìm nguyên nhân.

4. R (Realistic) – Thực tế

Mục tiêu quảng cáo đặt ra phải sát với năng lực và thực tế. Các mục tiêu không dựa vào số liệu hoặc không phù hợp với phương tiện quảng cáo sẽ dễ làm nản lòng.

Ví dụ: ngân sách quảng cáo hạn chế mà làm viral video theo phong trào quá cầu kỳ cũng là không thực tế.

5. T (Timed) – Có hạn mức thời gian

Cần có hạn mức thời gian cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra. Hạn mức thời gian này ở mức độ tương đối nhưng cần có để công việc không bị trôi.

Ví dụ: Người làm content trên fanpage một trường học dù có mục tiêu rõ ràng về bài viết nhân dịp khai giảng vừa rồi nhưng không có hạn mức thời gian. Điều này dẫn đến việc viết content bị chậm và các đầu việc chồng chéo lên nhau vì ngày khai giảng có rất nhiều thứ phải chuẩn bị. Đây là hệ quả của việc không có hạn mức thời gian từ đầu trong xây dựng mục tiêu của marketing.

Như vậy, bạn đã nắm được S.M.A.R.T trong marketing. Áp dụng nguyên tắc này, bạn có thể xây dựng mục tiêu cụ thể hơn, rõ ràng hơn đồng thời quản lý và làm việc nhóm hiệu quả hơn.

Theo dõi bài viết
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Gửi bình luận của bạn về bài viết này.x